Sau khi xem xong bản tin của đài truyền hình, tôi điện thoại hỏi một người trong ngành cao su thì được biết người ta tính trồng ở Lai Châu, trồng cao su trên triền đất dốc với hơn 10.000 héc ta; một diện tích không nhỏ.
Hỏi thêm thì tôi được biết, cây cao su vốn thích nghi ở vùng Đông nam bộ và Tây nguyên, nay đưa ra miền núi phía bắc với tham vọng là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho nông dân, khi nó được xem là “đa mục tiêu”, vừa là cây công nghiệp (sản phẩm mủ cao su dùng trong công nghiệp), vừa có thể xem như cây rừng để có thể lấy gỗ, củi, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc và nhiều “mục tiêu” khác.
Là người có chút kiến thức về nông nghiệp, tôi biết cao su là loại cây trồng đa mục tiêu nhưng nếu khuấy động một phong trào trồng cao su ở phía Bắc để xóa đói giảm nghèo thì nên xem lại.
Tôi cũng biết rằng, hai năm gần đây Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã lập một số công ty chuyên trồng cao su ở các tỉnh miền núi phía bắc, nơi mà từ nhiều năm trước xem là khó có thể trồng cao su, nhưng nay tập đoàn này đã trồng thử nghiệm thành công.
Ở Đông nam bộ và Tây nguyên, cao su trang trại tiểu điền (trang trại tư nhân) đã có bài học quá đủ cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vì đầu tư cây cao su tốn kém, lại cần có hiểu biết kỹ thuật, tốn thời gian dài.
Dù đã hội đủ những điều kiện đó vẫn cần có thêm một điều kiện khác nếu muốn sản phẩm mủ có giá thành thấp, có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới (hơn 90% sản phẩm mủ cao su hiện nay của Việt Nam phục vụ xuất khẩu). Đó là cần diện tích có quy mô lớn nhất định. Những nông hộ nghèo - ở mức cần được xóa đói, giảm nghèo thật khó có thể hội đủ tất cả những điều kiện vừa nêu.
Không ai bảo rằng trồng cao su dưới 1 héc ta mà lại có hiệu quả kinh tế. Nếu có hiệu quả thì may ra là kinh tế phụ gia đình, như nông dân nuôi heo kiểu “bỏ ống tiết kiệm”, dùng cơm thừa cá cặn trong gia đình. Còn nếu đã đầu tư quy mô lớn, nhiều héc ta trở lên thì yêu cầu vốn liếng bạc tỉ không thể là chuyện làm ăn của những người cần xóa đói, giảm nghèo.
Trong quá khứ cũng như hiện nay, giá mủ cao su thế giới từng xuống thấp đến mức khiến chủ đầu tư phải cắn răng đốn hạ vườn cây cao su và đầu tiên chính là những người trồng quy mô nhỏ, vài ngàn mét vuông hay một, hai héc ta. Chỉ những người có vốn đầu tư quy mô lớn, có vốn lớn thì có thể không hề hấn gì.
Hồi cuối năm ngoái, Phong trào trồng cà phê chè (arabica) ở các tỉnh phía Bắc đã chính thức phá sản sau hơn 10 năm lận đận, tiêu tốn gần cả 1.000 tỉ đồng tiền vay nước ngoài là một bài học về chuyện nông dân - hay nói khác hơn là chính các cơ quan quản lý đã khuyến khích nông dân - trồng cà phê chè để xóa đói giảm nghèo.
Chưa kể hàng loạt dự án bò sữa ở các tỉnh phía Bắc, như ở Tuyên Quang đã bị phá sản hai năm trước cũng chính vì ý đồ nuôi bò sữa để xóa đói giảm nghèo. Mỗi nhà nuôi một vài con, trong khi các nhà khoa học khuyến cáo phải nuôi hàng chục con trở lên may ra mới có lãi hoặc ít bị tác động khi giá sữa xuống thấp.
Nếu bảo rằng đầu tư nuôi bò sữa chỉ dành cho nông dân khá giả, có vốn liếng thì việc đầu tư trồng cao su có hiệu quả phải là nông dân giàu hơn gấp nhiều lần người nuôi bò sữa. Đó là chưa kể nếu đầu tư trồng cao su ở phía Nam bỏ ra 1 đồng thì phía Bắc phải tốn nhiều hơn trên cùng một diện tích, do miền núi phía Bắc đất dốc, chăm sóc, rồi vận chuyển vật tư, sản phẩm sau thu hoạch đều khó khăn.
Đã có quá nhiều phong trào "trồng cây gì?, nuôi con gì?" mà các cơ quan quản lý đã vận động nông dân và chính nông dân cũng đã trả giá quá nhiều cho các phong trào này rồi. Do vậy mong rằng cơ quan chức năng hãy tính toán, xem xét, nếu trồng cao su ở phía Bắc thì nên khuyến khích ai trồng, quy mô diện tích bao nhiêu, ở những nơi nào?