Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối Bộ NN & PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh lãi suất cho vay VND xuống mức 3%/năm và đối với USD là 4,2%/năm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu thủy sản, nhất là với mặt hàng cá tra.
Theo dự báo do Cục này đưa ra tại hội nghị “Bàn biện pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ sáng ngày 12-2, dù thương mại thủy sản tiếp tục bị tác động mạnh của suy thoái kinh tế nhưng cá tra có lợi thế riêng, vẫn là sự lựa chọn của khách hàng bởi giá hấp dẫn và chất lượng tốt.
Trong khi châu Âu vẫn tiếp tục hạn chế đánh bắt cá và giá thành cá đánh bắt cũng khá cao nên cá tra sẽ có lợi thế cạnh tranh. “Thị trường tiêu thụ cá tra năm nay sẽ tốt hơn năm 2008 rất nhiều”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định.
Riêng đối với thị trường Nga, dự kiến từ 21 đến 28-2, đoàn cán bộ của cơ quan Kiểm dịch động thực vật liên bang Nga (VPSS) sẽ sang Việt Nam để thanh tra một số cơ sở chế biến, thẩm tra việc khắc phục các sai sót của doanh nghiệp Việt Nam... Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, VPSS sẽ dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường tiềm năng này.
Theo tuyên bố trước đây của chính phủ Nga, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thì Nga có thể nhập đến 400.000 tấn cá tra của Việt Nam trong năm nay.
Năm 2008, xuất khẩu cá tra đạt 640.829 tấn, đạt kim ngạch 1,453 tỉ USD - tăng 48,4% so năm 2007 và đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất so với các sản phẩm thủy sản khác.
Tuy nhiên, theo Bộ NN & PTNT, do phát triển quá nóng nên cung vượt cầu khiến phát sinh tình trạng cá quá lứa không tiêu thụ được. Như vào tháng 6 và tháng 7-2008, lượng cá nguyên liệu tồn đọng có lúc lên đến 300.000 tấn.
Và do không chú ý thị trường nội địa, nên năm qua kim ngạch xuất khẩu dù cao nhưng không đạt lợi nhuận như mong muốn bởi giá cá chỉ đạt bình quân 2,26 đô la Mỹ/kg, giảm 10,67% so năm 2007.
Điều khó khăn là theo thống kê của Bộ NN & PTNT, sản lượng cá tra năm nay có thể chỉ đạt 1,2 triệu tấn do diện tích bỏ hầm nuôi đã lên tới 30 - 50%, tập trung ở các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Do vậy, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho rằng, năm nay các doanh nghiệp chế biến cá tra cần chủ động cân đối cung cầu về nguyên liệu, ký kết hợp đồng với người nuôi từ 1,3 - 1,5 triệu tấn cá. Đồng thời đặc biệt quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng.
Theo tính toán của Bộ NN & PTNT, năm 2009 vùng ĐBSCL sẽ đạt tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,15 triệu héc ta; trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 0,58 triệu héc ta (sản lượng dự kiến khoảng 0,38 triệu tấn, trong đó có 0,1 triệu tấn tôm thẻ chân trắng) và cá tra khoảng 6.000 héc ta...
Nhưng một số chuyên gia dự báo, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay có thể giảm khoảng 30% do phải cạnh tranh gay gắt với tôm thẻ chân trắng...