Mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị lớn
Trên thực tế, nông dân, trong đó một phần không nhỏ là đồng bào các dân tộc đã từng bước làm chủ kỹ thuật trồng trọt và phát triển cà phê thành một ngành hàng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Việt Nam đã hình thành được cả chu trình khép kín từ trồng, thu hoạch và tồn trữ, xuất khẩu, đưa các hoạt động liên quan đến cà phê vận hành theo hướng thương mại hàng hóa và đạt những kết quả tổng hợp cả về KT-XH.
Xét về giá trị, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam từ năm 2001 đến nay tăng liên tục với mức trung bình gần 31%/năm. Riêng 2 năm sau khi nước ta gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng tới 53% và đạt mức 2,3 tỷ USD trong năm 2008. Như vậy, cà phê là một trong không nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch từ 2 tỷ USD trở lên. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, với những đối tác và bạn hàng nhập khẩu ổn định, ở khắp các châu lục, trong đó có một số thị trường lớn, sức mua cao và ổn định như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Hoa Kỳ, Bỉ… Bộ Công thương nhận xét, việc Việt Nam gia nhập WTO đã trực tiếp mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu cà phê, các bạn hàng quốc tế tin tưởng và có điều kiện tiếp cận với nhiều cơ hội giao thương hơn. Việc điều tra thị trường, tìm hiểu và ký kết hợp đồng thương mại cũng diễn ra nhanh và thuận lợi hơn, nhất là nếu diễn ra giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với DN của một nước thành viên WTO.
Còn nhiều khó khăn cần vượt qua
Tuy vậy, trong điều kiện nền kinh tế hội nhập WTO cũng bộc lộ một số thách thức, tồn tại và là điểm yếu của cây cà phê khi tham gia xuất khẩu, diễn ra trong quá trình trồng trọt, chế biến và xuất khẩu. Người trồng cà phê luôn thiếu thông tin thị trường và những quy định về tiêu chuẩn quốc tế, từ đó bị động, thậm chí để mất cơ hội bán sản phẩm đúng lúc với giá cao. Đặc biệt, khi giá trên thị trường thế giới chao đảo, phần lớn đơn vị, nhất là hộ trồng trọt có lúc phải bán tháo cà phê, chịu thua thiệt, thậm chí phá sản. Chất lượng cà phê Việt Nam nhìn chung còn thấp, lại không đồng đều về kích cỡ hạt, thành phần... ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm, dễ bị ép giá. Trình độ sản xuất còn thấp, manh mún và chưa theo hướng sản xuất dây chuyền chuyên nghiệp hóa, đặc biệt là thiếu sự gắn kết giữa các đơn vị sản xuất cũng như thiếu gắn kết giữa nhà sản xuất và đơn vị thu mua, xuất khẩu, vì vậy, khi có thay đổi bất lợi xảy ra, các bên liên quan đều không sẵn sàng vào cuộc, lại càng không thể hỗ trợ, bảo vệ nhau, gây thiệt hại về kinh tế và mất uy tín với bạn hàng.
Sự hội nhập làm gia tăng cơ hội giao thương cũng dẫn đến việc DN trong nước bị DN nước ngoài chiếm dụng tài sản trí tuệ, bị vi phạm về mẫu mã, thương hiệu. Đã có một số nhãn hiệu cà phê Việt Nam bị chiếm dụng, thậm chí đã xảy ra khiếu kiện ở tòa án kinh tế. Hiệp hội Cà phê Việt Nam luôn kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với cà phê Việt Nam. Hiệp hội đề nghị các cơ quan cung cấp dịch vụ thông tin, pháp lý kịp thời, lồng ghép với hoạt động xúc tiến thương mại, tư vấn về kỹ thuật và nghiệp vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, các hộ trồng cà phê cũng như DN chế biến - xuất khẩu cũng đề nghị Bộ Công thương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật làm tốt công tác quản lý thị trường, nhất là bảo vệ DN trước vấn nạn chiếm dụng thương hiệu. Về phần mình, từng đơn vị cần đầu tư thỏa đáng đổi mới công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm, xây dựng và có biện pháp bảo vệ thương hiệu…
Nhận diện những tồn tại, khó khăn để khắc phục là việc cần làm ngay bằng những biện pháp, hành động cụ thể để mỗi hạt cà phê Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài đều đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Hy vọng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ nhanh chóng bứt lên, cao hơn mốc 2,3 tỷ USD của năm qua.