Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã An Phú, TP Pleiku (Gia Lai) cho biết: “Nhà tôi có 2ha càphê, dù sản lượng có giảm nữa thì mỗi vụ trung bình cũng thu được hơn 60 triệu đồng. Tiền đầu tư phân bón, nhân công, cắt cành…tốn kém không ít. Đôi khi phải lấy tiền trước của các đại lý kinh doanh cà phê để có tiền bỏ vào chăm sóc rẫy càphê nhà mình, dù có bị “chặt giá” trước. Tôi cũng nghe dự báo niên vụ này giá càphê sẽ tăng nên chưa bán càphê non mà cố xoay xở tiền. Hiện gia đình tôi đang giữ lại hơn 2 tấn càphê nhân của niên vụ trước, chờ giá lên sẽ bán. Nhưng không biết giữ được đến bao giờ…”.
Còn gia đình anh Siu Bắc (dân tộc J’rai) ở làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (Gia Lai) có vườn càphê 1,2ha. Niên vụ vừa rồi anh thu được 5 tấn càphê nhân, bán đi một phần được 50 triệu đồng, còn lại vẫn chưa bán do giá đang thấp. Cũng ở làng Yam này, anh Rơ Chăm Thế làm được 1ha càphê, năm vừa rồi thu được 3,8 tấn, anh đã bán hết được 100 triệu đồng (trừ chi phí như phân bón, nước tưới, công chăm sóc…còn lãi được 55 triệu đồng), lấy tiền sửa nhà, mua sắm ngày Tết.
Hiện tại anh vẫn chưa bán non vườn càphê vì có người họ hàng cho mượn tiền nên chưa đến nỗi túng thiếu lắm. Anh Thế cho biết: “Mặc dù từ trước Tết đến giờ có rất nhiều thương lái đến gạ mua cà phê non nhưng mọi người còn ngần ngừ chưa bán, mặc dù trong bụng rất muốn. Nhỡ đâu mấy hôm nữa giá cà phê lên thì sao. Nhà nào còn trữ được cà phê của vụ trước thì không lo thiếu tiền đầu tư. Còn nhiều nhà không dự trữ được thì đành đi mượn tiền của họ hàng, người thân. Nghe cán bộ nói năm nay cà phê sẽ bán được giá cao nên bà con quyết giữ lại, tập trung chăm sóc cho thật tốt để thu được nhiều tiền…”.
Ở Tây Nguyên, không phải hộ trồng cà phê nào cũng có điều kiện giữ lại vườn cà phê không phải bán non như chị Hồng, anh Bắc, anh Thế…Rất nhiều người tin năm nay cà phê sẽ được giá, tuy nhiên họ vẫn phải cắn răng chịu thiệt, bán non vườn cà phê của mình để lấy tiền tái đầu tư cho vụ sau. Cũng ở huyện Ia Grai, gia đình anh Bùi Cường (xã Ia H’rung) trồng được hơn 1 ha cà phê. Trước Tết đã bán đi một nửa để trả nợ, sắm Tết. Sau Tết, mặc dù giá cà phê còn thấp nhưng anh chị vẫn phải bán nốt số cà phê còn lại, lấy tiền sắm chiếc xe máy cho hai đứa con đang cùng học Đại học ở Quy Nhơn để chúng tiện đi học thêm ngoại ngữ, vi tính, rồi là đóng học phí cho học kỳ II…
Anh Cường bùi ngùi: “Giá cà phê nhân chưa kịp lên cao thì phải bán để lấy tiền lo cho con cái ăn học. Bây giờ lại phải bán non vườn cà phê để lấy tiền chăm sóc và lo nhiều việc khác nữa. Cũng có nghe nói sắp đến giá cà phê sẽ cao nhưng vì hoàn cảnh, gia đình tôi không thể để lại được nữa…”. Tương tự như hoàn cảnh của anh Cường, vợ chồng nông dân Chương-Hà ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo, tỉnh Đăklăk) trồng được hơn 2 ha cà phê đang cho thu hoạch năm thứ tư. Cách đây mấy hôm, anh chị phải bán non 1,5ha cà phê để lấy tiền cho ba đứa con ăn học (hai con lớn đang học Đại học ở TPHCM và Buôn Ma Thuột).
Trưa ngày 22/2, trên đường đi công tác từ Nha Trang về, tôi ghé thăm nhà anh chị (vì là người quen cũ), anh chị than vãn: “Chờ mãi mà giá cà phê không lên, trong khi giá phân bón thì không chịu hạ. Đành phải bán non hơn héc-ta cà phê để lo cho con đi học, còn lại mua phân bón và nhiều thứ khác nữa. Nghe nói giá điện lại sắp tăng, kiểu này hai vợ chồng già phải…tự xách nước tưới cà thôi!”. Chị Hà nói thêm: “Với lại “xanh nhà hơn già đồng”- thà bán non còn có được ít tiền. Chờ đến lúc chín, kẻ trộm nó có thương mình đâu!”.
Dự báo của TCty Cà phê Việt Nam về việc giá cà phê sẽ tăng trong năm nay đã “đến tai” người trồng cà phê ở Tây Nguyên. Chính quyền địa phương, Hội Nông dân ở đây cũng khuyên bà con không nên bán non vườn cà phê. Hơn ai hết, người trồng cà phê ở Tây Nguyên hiểu rất rõ điều này.
Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để giữ lại vườn cà phê cho đến lúc thu hoạch. Hơn nữa, tâm lý “xanh nhà hơn già đồng” luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người trồng cà phê ở đây: Không những bị mất trộm cà phê vụ này mà kẻ trộm cà phê, không có thời gian để hái một cách “tử tế” như chủ vườn, chúng bẻ cả cành vác đi nên ảnh hưởng đến cây cà phê cho nhiều năm sau.