Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Lại thua vì bán hớ giá
05 | 03 | 2009
Từ đầu năm 2009 đến nay, giá lúa gạo nguyên liệu tăng khá mạnh tại vùng trọng điểm sản xuất đồng bằng sông Cửu Long. Giá gạo bán lẻ cũng đang đứng ở mức cao. Nghịch lý đang diễn ra là người tiêu dùng phải bỏ tiền mua gạo giá cao, nhưng doanh nghiệp lại xuất khẩu gạo giá thấp

Hiện giá gạo bán lẻ đối với loại thường không dưới 8.000đ/kg, gạo thơm từ 14.000đ/kg trở lên, cá biệt có loại trên 20.000đ/kg. Từ sau tết Nguyên đán 2009, giá gạo bán lẻ nhích dần lên, từ 500 – 2.000đ/kg tuỳ loại. Nguyên nhân chủ yếu, theo nhiều ý kiến, là do doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua xuất khẩu, trong khi chưa vào mùa vụ thu hoạch rộ.

Ăn đắt, bán rẻ

Trong khi đó, trong số trên ba triệu tấn gạo ký hợp đồng xuất khẩu đến thời điểm này, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, chỉ có gần hai triệu tấn là bán được giá cao, trung bình 430 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, còn lại là giá thấp, có lô gạo 5% tấm chỉ bán được 370 – 380 USD/tấn, tương đương trên 6.500đ/kg. Nếu đem đối chiếu với loại gạo thường, hạt dài, cơm dẻo (thực chất là gạo 5% tấm) bán lẻ trong nước hiện nay, trung bình trên 8.000đ/kg thì rõ ràng, người nước ngoài đang được ăn gạo rẻ hơn trong nước.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam dao động khoảng 500 – 530 USD/tấn, quy đổi ra khoảng 9.000 – 10.000đ/kg. Trong khi đó, giá gạo thơm bán lẻ trong nước như thơm lài, nàng thơm Chợ Đào, tám thơm, jasmine, thơm Thái, Đài Loan… không dưới 14.000đ/kg.

Vẫn làm ăn kiểu cũ và… điệp khúc thua lỗ

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, nguyên tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận xét: “Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, để tránh bị thua thiệt, trước khi đặt bút ký hợp đồng, doanh nghiệp phải có ít nhất 70 – 80% chân hàng trong kho. Khi nắm trong tay phân nửa số hàng, doanh nghiệp sẽ dễ dàng chủ động đàm phán giá. Đến thời điểm giao hàng, giá gạo có biến động thì mức độ rủi ro, thua thiệt sẽ giảm đáng kể”.

Nhưng nhìn diễn biến xuất khẩu gạo năm nay, doanh nghiệp vẫn làm ăn kiểu cũ: ký hợp đồng xuất khẩu trước, mua gạo sau. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mặc dù hiện nay việc ký hợp đồng mới đã tạm ngưng do chỉ tiêu giao hàng đến hết tháng 6 đã đủ, nhưng gạo 5% của Việt Nam vẫn được khách hàng trả giá 410 – 420 USD/tấn (FOB). Như vậy, so với giá của một số lô hàng ký thương mại trong tháng 1.2009, từ 370 – 380 USD/tấn (gạo 5% tấm), thì doanh nghiệp bị thua thiệt 40 – 50 USD/tấn.

Ông Nguyễn Hồng Linh, tổng giám đốc công ty thương mại và du lịch Kiên Giang, đơn vị đã ký trên 100.000 tấn gạo xuất theo hợp đồng thương mại thừa nhận rằng, doanh nghiệp nào bán dưới 400 USD/tấn, nếu không có chân hàng trước sẽ bị lỗ”. Theo ông Linh, hiện gạo nguyên liệu 5% tấm nhập kho khoảng 7.100 – 7.200đ/kg, cộng thêm chi phí vận chuyển, bao bì, lãi suất ra giá thành khoảng 410 – 420 USD/tấn.

Chỉ còn khoảng nửa tháng tới, nông dân các tỉnh ĐBSCL sẽ vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân. Doanh nghiệp trót bán giá thấp thì không ai dám chắc, giá lúa trong nước sẽ không bị “đè” xuống, đổ gánh nặng cho nông dân.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường