Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thoát phận xuất cà phê thô, từ chế biến cho nội địa
25 | 03 | 2009
Sáng 24.3, tại TP.HCM, viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp tổ chức Lương nông thế giới tổ chức hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam. Bên lề hội thảo, SGTT có cuộc trao đổi với ông Néstor Osorio, giám đốc điều hành tổ chức Cà phê thế giới xung quanh vấn đề phát triển cà phê tại Việt Nam

Đánh giá về vị thế cà phê Việt Nam, ông Néstor Osorio nói: Đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu, với trên một triệu tấn cà phê hạt, chiếm 10% sản lượng toàn cầu nhưng các khâu trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cà phê tại Việt Nam vẫn áp dụng kỹ thuật tụt hậu so với các nước, nên chất lượng cà phê thường thấp. Hậu quả là hạt cà phê đến tay nhà chế biến, thu mua thường có tỷ lệ hư hỏng nhiều. Năm 2008, tại thị trường London, số lô hàng cà phê nguồn gốc từ Việt Nam bị hư hỏng, trả lại tăng gấp đôi so với năm 2007. Chất lượng cà phê không đạt, khiến cho cà phê Việt Nam bị nhà buôn trừng phạt bằng biện pháp giảm giá thu mua.

Để khắc phục hạn chế trên, người sản xuất, chế biến cà phê Việt Nam phải làm gì?

Các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản cần phải được tổ chức lại, dựa trên nguyên tắc là người trồng cà phê phải luôn luôn nhận thức một thực tế rằng: “khi chất lượng cà phê thấp sẽ bị trừng phạt về giá bán”.

Việt Nam chỉ được biết đến là nước xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt lớn thứ hai thế giới, sau Brazil. Vậy, ông có cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên tham gia vào thị trường cà phê đã qua chế biến, để gia tăng giá trị sản phẩm?

Những nước cung cấp cà phê lớn ở châu Âu, Mỹ… họ không trồng được cà phê nhưng lại đầu tư nhiều tiền vào khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, thị trường phân phối, bán lẻ. Nếu bạn tìm cách cạnh tranh, thì họ sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn. Chẳng hạn, ở châu Âu, đã có nhiều nước đánh thuế rất cao cà phê qua chế biến nhập khẩu. Chưa kể, đầu tư cho một thương hiệu cà phê tốn rất nhiều tiền. Do đó, Việt Nam cũng giống như Brazil, Colombia hay Indonesia…, chỉ nên dừng lại ở phân khúc xuất khẩu hạt thô. Các bạn cải thiện chất lượng hạt cà phê tốt hơn, cũng đồng nghĩa với việc đã góp phần tạo thêm giá trị chứ không nhất thiết phải chú tâm đến làm sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng.

Trước mắt, các bạn nên phát triển công nghiệp chế biến cung cấp cho thị trường nội địa, bằng cách tạo ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư dây chuyền công nghệ. Khi đã có thương hiệu đủ mạnh, mới từng bước vươn ra, cung cấp thị trường lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Nhưng, bạn nên nhớ, ngay tại Việt Nam, cũng đang có những thương hiệu nước ngoài rất lớn cạnh tranh, như Nestlé, nên muốn phát triển, phải làm từng bước một.

Người trồng cà phê ở Việt Nam luôn thiếu thông tin cung cầu thị trường, thông tin về quy định tiêu chuẩn cà phê quốc tế. Đây, có thể xem như là một nguyên nhân nữa khiến cho nông dân chỉ bán được mức giá cà phê thấp hơn so với các nước?

Hầu hết người trồng cà phê ở Việt Nam có diện tích ở quy mô nhỏ, sản lượng chỉ đủ bán cho thương lái nên việc hạn chế tiếp xúc thông tin bên ngoài cũng là dễ hiểu. Vì, nếu bạn chỉ có trong tay vườn cà phê 2 – 3ha thì sẽ không có động lực tìm hiểu thông tin, nghĩ cách chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn. Ở các nước Mỹ La tinh, nông dân trồng cà phê khắc phục nhược điểm này, bằng cách tự nguyện liên kết nhau lại trong các tổ chức. Khi họ tạo ra được một nhóm, có thể chỉ từ 30 – 40 hộ gia đình, với quy mô đủ lớn sẽ dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ thông tin, thậm chí có thể đứng ra đàm phán để có được mức giá bán có lợi nhất với đối tác trung gian.

Theo ông, Việt Nam nên phát triển cà phê Arabica hay Robusta?

Điều kiện khí hậu, đất đai ở Việt Nam thích hợp trồng cà phê Robusta, các bạn nên tận dụng lợi thế này, nhu cầu thế giới về chủng loại cà phê Robusta vẫn rất lớn.

Xem tin gốc tại đây:
http://www.sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=48764&fld=HTMG/2009/0324/48764



Báo cáo phân tích thị trường