Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Tuyên chiến" với phân bón giả, bắt đầu từ đâu?
10 | 04 | 2009
Trước nạn phân bón kém chất lượng, dởm, giả tràn lan gây thiệt hại cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành chức năng từ cuối năm 2008 đã vào cuộc quyết liệt với một quyết tâm "tuyên chiến" với hàng dởm, hàng giả.

Thế nhưng với loạt bài của PV Báo LĐ tiếp tục điều tra về Cty CP sinh hoá Minh Đức (trụ sở tại xã Phú Minh, Sóc Sơn, HN) - một DN ngang nhiên sản xuất phân bón chui, giả trong suốt 14 năm qua ngay giữa thủ đô Hà Nội, cho thấy quyết tâm tuyên chiến với hàng giả gặp "khó khăn" khi đụng đến từng trường hợp cụ thể.

14 năm sản xuất phân bón chui...

Sau khi Báo LĐ có loạt bài phản ánh về việc Cty CP sinh hoá Minh Đức công khai SXKD phân bón giả hữu cơ sinh học K-Humat (từ tháng 8.2008), ông Nguyễn Thanh Đức - TGĐ Cty CP sinh hoá Minh Đức (Cty Minh Đức) đã gửi nhiều công văn và tài liệu đến toà soạn nhằm chứng minh cho việc "kinh doanh lành mạnh" của Cty Minh Đức. Tuy vậy, ông Đức không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào phủ nhận được hành vi SXKD hàng giả của mình.

Điều tra của PV Báo LĐ cho thấy, không chỉ SXKD phân bón giả, Cty Minh Đức còn SXKD phân bón chui suốt 14 năm qua (từ năm 1993-2007). Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) do Sở KHĐT TP.Hà Nội cung cấp, tiền thân của Cty Minh Đức là Cty TNHH Minh Đức ĐKKD lần đầu tiên vào 18.3.1993 chỉ đăng ký ngành, nghề kinh doanh: "Buôn bán hàng tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng".

Sau nhiều lần thay đổi ĐKKD, ngày 26.2.2007 Cty TNHH Minh Đức đăng ký chuyển đổi thành Cty CP sinh hoá Minh Đức với vốn điều lệ là 10 tỉ đồng và ngành nghề ĐKKD không hề đăng ký ngành nghề: "Sản xuất, kinh doanh phân bón" (?!) mãi đến ngày 13.3.2007, Cty này mới đăng ký thêm ngành nghề "kinh doanh phân bón".

Mặc dù đến năm 2007 mới ĐKKD phân bón, nhưng nhiều sản phẩm phân bón của Cty Minh Đức đã có tên trong "Danh mục phân bón được phép SXKD và sử dụng ở Việt Nam" của Bộ NNPTNT từ lâu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT khẳng định: "ĐKKD không thuộc lĩnh vực quản lý của Cục Trồng trọt... Hiện nay, cục chỉ có trách nhiệm nhận sản phẩm của DN để khảo nghiệm hay không khảo nghiệm và công nhận sản phẩm đó đã qua khảo nghiệm cho DN, còn DN có được SXKD phân bón hay không là quyền của người ta với sở kế hoạch - đầu tư".

Lý luận của ông cục trưởng là vậy, nhưng Nghị định 191/2007/NĐ-CP về "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP, ngày 7.10.2003 của Chính phủ về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón" đã quy định rất rõ: "Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh".

Cách chỉ đạo "kỳ lạ" của Cục QLTT


Trong vụ 146 thùng phân bón giả hữu cơ sinh học MĐ 101 K-Humat 18.000 ppm của Cty Minh Đức bị Chi Cục QLTT Thanh Hoá tạm giữ ngày 4.7.2008 (Báo Lao Động số 175 ngày 1.8.2008; số 197 ngày 27.8.2008 đã có bài phản ánh...), Cty Minh Đức đã thoát hiểm một cách "ngoạn mục" sau gần 2 tháng bị tạm giữ hàng.

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chi Cục QLTT Thanh Hoá cho biết: "Nói phân bón của Minh Đức là giả là không được đâu. Vụ này chúng tôi đã xử lý rồi và theo ý kiến chỉ đạo của cục".

Trong CV số 703/QLTT-NVCHG ngày 15.8.2008 do Phó Chi Cục trưởng Hoàng Minh Tuấn ký thay Cục trưởng, "Cục QLTT đề nghị Chi cục QLTT Thanh Hoá xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật".

Ông Tuấn khẳng định: "Trên nhãn của sản phẩm phân bón qua lá MĐ 101 của Cty CP sinh hoá Minh Đức ghi địa chỉ: Nội Bài - Sóc Sơn - Hà Nội đúng với theo địa chỉ trụ sở chính của Cty ghi trong giấy chứng nhận ĐKKD".

Thực tế theo những gì PV Báo LĐ chứng kiến tại kho tạm giữ hàng của Chi Cục QLTT Thanh Hoá ngày 24.7.2008, thì toàn bộ 146 thùng hàng của Cty Minh Đức đều đề địa chỉ: "73 đường Láng - Ngã Tư Sở - HN".

Vậy ông Tuấn căn cứ vào đâu để khẳng định như trên (?!). Thứ hai, CV 703 khẳng định: "Đối với hợp chất K-Humat, Cty Minh Đức đã mở ngoặc ghi chú trong nội dung thành phần trên nhãn sản phẩm là hợp chất Kali humate có chứa K2O 0.3%".

Đúng là hợp chất K-Humat (Kali humate) có chứa K2O (Kali hoà tan), nhưng không có nghĩa là có K2O thì đương nhiên có K-Humat. Điều này đã được ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT (cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón) khẳng định: "Sản phẩm MĐ của Cty Minh Đức không phải là hữu cơ sinh học. Cty Minh Đức đề K-Humat là như thế này là đề không đúng với thành phần đăng ký".

Trả lời CV của Cục QLTT, Cục Trồng trọt khẳng định: "Đối với Cty Minh Đức. Việc sử dụng cụm từ "hữu cơ sinh học" ghi trên bao bì phân bón MĐ 101 là không đúng với bản chất hàng hoá" (CV số 1167/TT-TTPC ngày 16.9.2008).

Vậy những nội dung mà Cục QLTT khẳng định trong CV số 703 được đưa ra dựa trên cơ sở nào? Rõ ràng đã có sự tiếp tay, bao che cho phân bón giả hữu cơ sinh học K-Humat của Cty Minh Đức ở đây(!?).

Thế nào là hàng giả, phân bón giả?

"Phân bón giả là loại phân bón được SX ra trái pháp luật có hình dáng giống như các loại phân bón được Nhà nước cho phép SXKD, nhập khẩu hoặc những loại phân bón không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó". (Điểm 30 khoản 3 Điều 2 Nghị định 191/2007/NĐ-CP ngày 31.12.2007 "Sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 113/2003/NĐ-CP ngày 7.10.2003 về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón").



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường