Đó là kết quả mô hình thử nghiệm công nghệ sản xuất cồn từ phế thải của trái điều sau thu hoạch hạt do trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai phối hợp với trường đại học Nông Lâm TP.HCM. Theo kỹ sư Nguyễn Minh Hiền, cán bộ giảng dạy khoa công nghệ thực phẩm của trường đại học Nông Lâm, người trực tiếp tham gia chuyển giao công nghệ nói trên, cứ mỗi tấn điều sau khi tách hạt qua chu trình chưng cất sẽ thu được 80 lít cồn 80o.
Kỹ sư Minh Hiền tính toán, cứ trung bình 1 hecta điều thu hoạch được 5 tấn trái/năm. Nếu đem chưng cất được toàn bộ trái điều này sẽ có được trên 440kg cồn khô. Hiện nay, giá cồn khô trên thị trường là 20.000đ/kg. Như vậy người nông dân sẽ thu được 8,8 triệu đồng. Trừ chi phí thì nông dân vẫn còn lời gần 7 – 8 triệu đồng/ha.
Điều đáng nói là công nghệ làm cồn khô từ trái điều khá đơn giản, người nông dân có thể tự sản xuất tại nhà. Theo bà Hiền, trái điều sau khi tách lấy hạt được đem ép để lấy nước điều, sau đó đun sôi và lọc để lấy dịch điều, cho thêm men vào dung dịch để bốn – năm ngày sau đem chưng cất sẽ thu được cồn 80 – 85o. Cuối cùng bỏ thêm chất phụ gia là dung dịch gelatine vào thành cồn khô.
Hiện nay, theo thống kê của hiệp hội Điều Việt Nam, cả nước đã có hơn 350.000 hecta điều, vùng Đông Nam bộ chiếm 60%, duyên hải miền Trung 21%, Tây Nguyên hơn 8% tổng diện tích điều. Dự kiến đến năm 2010 diện tích trồng điều sẽ tăng lên 439.000 hecta. Bình Phước là tỉnh có diện tích, sản lượng điều lớn nhất nước, đạt hơn 120.000 hecta, với năng suất 1.200kg/ha. Việc nghiên cứu thành công chế biến cồn khô từ trái điều không chỉ có lợi về kinh tế mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường (xử lý được phế phẩm điều) và góp phần giúp cả vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên phát triển bền vững.