Nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng vượt khả năng cung cung cấp làm cho giá dầu ngày càng tăng chưa có điểm dừng, vượt cả tầm kiểm soát của Tổ chức Dầu mỏ quốc tế OPEC và các nước G8. Hơn thế nữa, dầu mỏ lại tập trung chủ yếu ở các khu vực luôn có tình hình chính trị bất ổn như Trung Đông, Trung Á,... Mỗi đợt khủng hoảng dầu mỏ, giá dầu tăng mạnh làm lay chuyển nền kinh tế vốn đã mỏng manh của các nước nghèo mà năng lượng chủ yếu phụ thuộc vào bên ngoài. Giá xăng dầu dùng trong ngành giao thông vận tải còn có khả năng tăng mạnh hơn giá dầu thô vì hầu hết các nhà máy lọc dầu trên thế giới đã chạy hết công suất mà vẫn khó đảm bảo cung cấp nhiên liệu theo nhu cầu và sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước. Các nước trong khu vực Châu Á có chính sách trợ giá xăng dầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam cũng sẽ thâm hụt cán cân thương mại.
Hiện tại, toàn cầu đang phải đối mặt trước 3 vấn đề nóng bỏng:
- Đảm bảo nguồn năng lượng thay thế khi nhiên liệu hoá thạch nhất là dầu mỏ ngày càng trở nên khan hiếm.
- Môi trường tự nhiên ngày càng xấu đi, do sử dụng quá nhiều nhiên liệu hoá thạch và tốc độ đô thị hoá tăng nhanh. Hiện tượng nóng dần lên của trái đất do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21.
- Gần 2 tỷ người nghèo còn thiếu nước sinh hoạt và chưa được tiếp cận với năng lượng hiện đại. Đảm bảo cung cấp năng lượng nhất là năng lượng tái tạo sẽ giúp phần giảm sự đói nghèo của các nước chưa phát triển, làm giảm khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa các nước Bắc-Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.
Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế - môi trường đã có chung đánh giá: Mẫu hình vận hành phát triển kinh tế - xã hội hiện tại dựa chủ yếu vào nhiên liệu hoá thạch (trong khi đã có cảnh báo về sự cạn dần của dạng nhiên liệu này) là mẫu hình phát triển không bền vững về an ninh năng lượng lâu dài và môi trường sinh thái trong phát triển bền vững.
Để đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài và bảo vệ khí hậu trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại là trách nhiệm của các quốc gia không kể hệ thống chính trị, sự giàu nghèo hoặc kinh tế khác nhau. Do đó, nhiều quốc gia trong vòng vài thập kỷ qua đã có chính sách kết hợp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng hiện có với chính sách khai thác sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng nguyên tử, nhiên liệu tái tạo trong đó có nhiên liệu sinh học.
Nhiên liệu sinh học đang được các quốc gia định hướng sử dụng rộng rãi, vì các lợi ích xã hội sau:
- Cung cấp và sử dụng nhiên liệu sinh học tại chỗ từ nguyên liệu thực vật phong phú và tái tạo được, có khả năng sản xuất và cung cấp với số lượng lớn để thay thế khi giá xăng dầu khoáng ngày càng tăng .
- Nhiên liệu sinh học không chứa các chất gây độc hại như dầu mỏ, khả năng phân huỷ sinh học cao. Sử dụng nhiên liệu sinh học làm giảm hiệu ứng nhà kính và phát thải khí độc hại khác, giảm chi phí khắc phục ô nhiễm và có thể chuyển nhượng quota phát thải thông qua các dự án CDM
- Góp phần xây dựng ngành kinh tế nông nghiệp, ngoài chức năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho người, thức ăn cho vật nuôi, nguyên liệu cho công nghiệp, còn cung cấp năng lượng cho xã hội. Tạo công ăn việc làm cho người dân, khai thác tận dụng đất đai còn hoang hoá, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, phụ phẩm nông nghiệp. Đây cũng là biện pháp thực hiện chính sách của chính phủ để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và cải thiện đời sống cho người dân.
- Sử dụng nhiên liệu sinh học thuận tiện đơn giản bên cạnh các dạng nhiên liệu khác, có thể sử dụng xăng pha ethanol và xăng khoáng lẫn lộn thay thế cho nhau được, không cần phải thay đổi hoán cải các động cơ và mạng lưới phân phối hiện có.
- Công nghệ sản xuất ethanol, dầu mỡ động thực vật và pha chế nhiên liệu sinh học không phức tạp như công nghệ lọc hoá dầu và suất đầu tư thấp hơn nhiều, có thể sản xuất với các qui mô khác nhau: từ hộ gia đình, cụm gia đình, qui mô tương đối nhỏ đến qui mô lớn, có thể cung cấp nhiên liệu với các qui mô khác nhau.
Tình hình nghiên cứu, sử dụng và xu thế phát triển nhiên liệu sinh học trên Thế giới
Tháng 6/2003, Hội nghị thượng đỉnh EU về năng lượng đã kêu gọi cộng đồng EU tăng cường sử dụng bio-fuels, đến năm 2005 chiếm 2-3%, năm 2010 tăng lên 5,75% và năm 2020 là 20%.
Tháng 8/2004, Hội nghị các nước Châu Á mở rộng tổ chức tại Băng Cốc Thái Lan đã ra tuyên bố 8 điểm về sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau phát triển nhiên liệu sinh học dùng cho giao thông vận tải.
Tại Hội nghị quốc tế về năng lượng do APEC tổ chức từ ngày 27-29/4/2005 tại Vancouver, Canada, nhiên liệu sinh học (Biofuel) đã được chọn để sử dụng trong ngành năng lượng cũng như ngành giao thông vận tải của các nước APEC trong lộ trình sản xuất nhiên liệu thay thế dần cho xăng dầu khoáng.
Việc nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học giờ đã trở thành xu thế phát triển tất yếu ở nhiều quốc gia trên toàn cầu để thay thế dần xăng dầu khoáng trong các thập kỷ tới. Dự báo ở cuối thế kỷ 21, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, địa nhiệt, thuỷ điện nhỏ, nhiên liệu sinh học) sẽ chiếm trên 50% của năng lượng thương mại.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài và phát triển bền vững, nhiều quốc gia trong vòng 2 - 3 thập kỷ qua đã tập trung nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng/diesel pha ethanol và diesel sinh học), thay thế một phần xăng, dầu khoáng, tiến tới xây dựng ngành “xăng dầu sạch” ở quốc gia mình. Hiện có khoảng 50 nước trên thế giới khai thác và sử dụng nhiên liệu sinh học ở các mức độ khác nhau. Năm 2003 toàn thế giới đã sản xuất khoảng 38 tỷ lít ethanol thì đến năm 2005 đã sản xuất được 50 tỷ lít ethanol (trong đó 75% dùng làm nhiên liệu sinh học) và dự kiến đến 2012 là khoảng 80 tỷ lít ethanol. Diesel sinh học nguồn gốc động thực vật được sản xuất năm 2005 đạt 4 triệu tấn và dự kiến đến năm 2010 sẽ tăng lên đến 20 triệu tấn.
Braxin là quốc gia đi tiên phong trong việc sử dụng ethanol làm nhiên liệu thay thế. Từ năm 1970 để đối phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ, chương trình quốc gia Pro - alcohol ra đời. Ban đầu pha 5% ethanol trong xăng để tăng trị số octan, ngày nay đã pha đến 25%. Các phương tiện vận tải của Braxin có thể dùng xăng, ethanol độc lập hoặc dùng hỗn hợp xăng và ethanol. Ngoài 3 triệu ô tô chạy bằng ethanol tuyệt đối còn có 17 triệu ôtô chạy xăng pha 25% ethanol. Ngoài ra còn có khoảng 400 máy bay loại nhỏ sử dụng ethanol. Hàng năm sản xuất 13 - 14 triệu m3 ethanol dùng trong nước và xuất khẩu, tương đương với 200.000 thùng dầu mỏ mỗi ngày. Cả nước đã có trên 6,5 triệu ha đất trồng mía. Ngành mía đường - ethanol hàng năm có doanh thu trên 8 tỷ USD.
Tại Mỹ, Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều chính sách như giảm thuế 0,5 USD/galon nhiên liệu sinh học; giảm thuế sau nhập khẩu; hỗ trợ nhà sản xuất nhỏ. Kết quả là trong năm 2005, Mỹ đã sản xuất được 15 triệu m3 nhiên liệu sinh học. Hiện 30% xăng tại Mỹ được pha nhiên liệu sinh học. Chính phủ Mỹ cũng tạo điều kiện phát triển nông nghiệp quy mô công nghiệp tập trung tạo thành các vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học.
Ở châu Âu , nhiều công ty đã nghiên cứu sản xuất diesel sinh học từ dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương.Các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Áo, Đan Mạch đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình nhiên liệu sinh học.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn sau Mỹ, năm 2004 nhập gần 100 triệu tấn dầu thô. Hiện tại, quốc gia này có khoảng 24 triệu ô tô và dự đoán đến năm 2020 vào khoảng 100 triệu ô tô nên lượng xăng dầu sử dụng rất lớn. Vì vậy, nhiều năm nay đã có chương trình phát triển sản xuất ethanol từ ngũ cốc và pha 10% ethanol khan vào xăng. Từ năm 2002 đã thí điểm sử dụng xăng pha ethanol ở 5 Thành phố: Trịnh Châu, Lạc Dương, Nam Dương, Tỉnh Hà Nam, Cáp Nhĩ Tân, Triều Đông, tỉnh Hắc Long Giang. Hiện tại 80% thị phần nhiên liệu xăng pha ethanol được sử dụng tại tỉnh Hắc Long Giang, Tế Lâm, Liễu Ninh và Hà Nam. Đến cuối năm 2005 có thêm 27 Thành phố tại tỉnh Sơn Đông, Hồ Bắc, Giang Tô và Hà Bắc bắt buộc sử dụng xăng pha ethanol. Lượng xăng dầu sử dụng ở các khu vực thí điểm trên chiếm đến 25% tổng mức xăng dầu tiêu thụ quốc gia. Theo chương trình phát triển xăng pha ethanol trong kế hoạch 5 năm 2005 - 2010 của Uỷ ban cải cách và phát triển, Trung Quốc sẽ sản xuất trên 1,1 triệu tấn ethanol mỗi năm. Nhà máy sản xuất ethanol lớn nhất thế giới công suất trên 600.000 tấn/năm bắt đầu hoạt động tại tỉnh Sơn Đông.
Ấn Độ là quốc gia bắt buộc sử dụng thí điểm xăng chứa 5% ethanol tại 9 bang và 4 tiểu vùng kể từ ngày 1-01-2003. Các bang còn lại sẽ sử dụng xăng pha ethanol ở giai đoạn hai. Quyết định này thể hiện nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nhập từ nước ngoài (1 triệu thùng/ ngày) và đem lại lợi ích cho ngành trồng mía (diện tích trồng mía 4,6 triệu ha).
Thái Lan đã thành lập Uỷ ban quốc gia về ethanol nhiên liệu để chỉ đạo thực hiện, thúc đẩy chủ trương phát triển nhiên liệu sinh học. Dự án Hoàng gia để sản xuất xăng pha ethanol được triển khai từ năm 1985 với sự tham gia của các Trường Đại học, Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Ngày 26/12/2000, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt chính sách xúc tiến mạnh mẽ sản xuất và sử dụng ethanol là nhiên liệu thay thế. Để phục vụ cho chương trình sản xuất sử dụng nhiên liệu sinh học, các chính sách nhằm tăng diện tích trồng mía và sắn cho sản xuất cồn đã được ban hành. Niên vụ 2002 - 2003, Thái Lan có khoảng 1 triệu ha trồng mía với khoảng 60 triệu tấn mía, gấp 4 lần Việt Nam và 20 triệu tấn sắn tươi. Thái Lan đang phấn đấu đến năm 2015 sử dụng trên 2,5 triệu m3 ethanol chiếm 10% lượng xăng dầu sử dụng trong nước.
Malaysia và Phillipin là các quốc gia có thế mạnh về nghiên cứu và sản xuất diesel sinh học từ cây có dầu tại Đông Nam Á. Malaysia đã hợp tác thành công với công ty Mitshubishi nghiên cứu sản xuất diesel sinh học từ dầu cọ và đã có sản phẩm bán sang Châu Âu. Trong khi đó, Phillipin đã ban hành Luật về Nhiên liệu sinh học vào ngày 12/1/2007. Theo đó, xăng và dầu diesel của Phillipin sẽ phải pha 1% nhiên liệu sinh học. Tỷ lệ pha trộn này tăng lên 2-5% sau 2 năm và dự tính sẽ tăng lên 4% sau 4 năm)
Tình hình nghiên cứu, phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam
Các kết quả bước đầu về nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam
Nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh chóng, tương thích với tốc độ phát triển kinh tế và sự phát triển dân số. Sản lượng năng lượng nước ta tiếp tục tăng cao. Năm 2005 đã tiêu thụ gần 27 triệu tấn dầu qui đổi, dự đoán tăng lên đến gần 37 triệu tấn vào năm 2010 và 51 triệu tấn vào năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp có tỷ lệ sử dụng năng lượng cao nhất chiếm 46%, vận tải chiếm 35%, thương mại dịch vụ chiếm 12%, nông nghiệp chiếm 1% và các ngành khác chiếm 6%.
Việt Nam là một nước được thiên nhiên ưu đãi, hội đủ các nguồn tài nguyên năng lượng. Tuy nhiên, khả năng khai thác, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Theo phân tích tình hình phát triển kinh tế và các nguồn cung cấp năng lượng, dự kiến trong thời gian tới (tính đến năm 2020) nước ta tiếp tục phải nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ, trong khi giá dầu luôn có áp lực rất lớn đến phát triển kinh tế.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều công trình nghiên cứu về sản xuất nhiên liệu sinh học đã được tiến hành: sản xuất diesel từ đậu tương, vừng, dầu phế thải; sản xuất ethanol từ mía, ngô, lúa, sắn,...Việc nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu sạch sử dụng cho giao thông vận tải đã được giao cho một số cơ quan như Petrolimex, Petro Việt Nam, Đại học kỹ thuật Đà Nẵng và đã có kết quả ứng dụng bước đầu đáng khích lệ.
Một số cơ quan nghiên cứu, trong đó có Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã pha chế, thử nghiệm để chứng minh ethanol có thể thay thế xăng dùng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong, hoặc nghiên cứu Metyl este dùng làm diesel sinh học trong phòng thí nghiệm đơn lẻ.
Viện Nghiên cứu Rượu Bia NGK cũng đã triển khai đề tài nghiên cứu sử dụng ethanol làm nhiên liệu thay thế cho một số loại động cơ và cho những kết quả khả quan về việc sản xuất và sử dụng loại nhiên liệu này.
Công ty APP trong vài năm gầy đây đã pha chế, thử nghiệm sản xuất mỡ bôi trơn trên cơ sở sử dụng dầu mỡ thực vật hoá học. Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Công ty APP chủ trì đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học có pha ethanol và một số hợp chất có nguồn gốc thực vật”. Công ty đã nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm và đang chuẩn bị thử nghiệm cho các phương tiện giao thông ở quy mô lớn.
Viện Công nghiệp thực phẩm đã được giao chủ trì đề tài cấp nhà nước nghiên cứu sản xuất ethanol nhiên liệu từ phế thải nông nghiệp bằng công nghệ enzyme và vi sinh vật.
Công ty phụ gia dầu mỏ (APP), Sài Gòn Petro, Công ty CP mía Đường Lam Sơn Thanh Hoá,… đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về nhiên liệu sinh học, có quan hệ rộng rãi với các tổ chức nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sinh học và có kế hoạch để pha chế thử nghiệm, tiến tới sản xuất ở quy mô phù hợp và đưa vào thử nghiệm sử dụng.
Trong năm 2007, việc xây dựng các nhà máy sản xuất cồn công nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học đã được khởi động tích cực tại phía Nam. Trong đó:
- Công ty Cổ phần cồn sinh học Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn công nghiệp với công suất 66.000 m3 cồn/ năm tại tỉnh Đăk Lắk. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đã có kế hoạch triển khai trồng cây tinh bột Tiboca trên 4.000 ha đất dự án.
- Công ty đường Biên Hòa và Công ty Fair Energy Asia Ltd của Xinhgapo đã ký kết bản ghi nhớ ngày 15/8 hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cồn sinh học, công suất 50.000 tấn cồn nguyên liệu/năm. Nhà máy sẽ được xây dựng tại Cụm công nghiệp phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
- Công ty Petrosetco (Việt Nam)và Itochu (Nhật Bản) đang tiến hành dự án khoảng 80-100 triệu USD để xây dựng nhà máy có công suất 100 triệu lít ethanol mỗi năm từ nguồn nguyên liệu sắn lát. Nhà máy dự định sẽ được đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP HCM. Dự kiến, 99,8% sản phẩm sẽ được cung ứng cho thị trường để pha vào xăng sinh học.
Tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam
Nước ta là nước có nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nền kinh tế với hơn 12 triệu ha đất canh tác. Sản lượng lúa, mía đường, ngô, sắn,... trong 10 năm trở lại đây đều tăng đáng kể. Đây chính là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho sản xuất nhiên liệu sinh học như cồn nhiên liệu (ethanol) và các loại diesel sinh học.
Tiềm năng nguồn nguyên liệu cho sản xuất cồn nhiên liệu
Các phân tích, đánh giá vùng nguyên liệu có khả năng cho sản xuất cồn của Bộ Công nghiệp trước đây, nay là Bộ Công Thương cho thấy:
- Việt Nam có tiềm năng về một số loại cây trồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cồn như lúa, ngô, sắn, khoai lang và mía. Tiềm năng về sự thích ứng của điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với các loại cây này. Một số giống mới cho năng suất cao có thể phát triển quy mô lớn. Sự thích ứng có thể cho phép thành lập các vùng nguyên liệu tập trung.
- Sản lượng hiện có mới chỉ đủ cho sản xuất và tiêu dùng hiện nay, có dư thừa không nhiều, nếu muốn sản xuất cồn quy mô lớn tập trung thì chưa đủ nguyên liệu. Tuy nhiên để phát triển sản xuất cồn quy mô vừa và nhỏ thì có thể đáp ứng và mở rộng diện tích.
- Đối với tình hình thực trạng vùng nguyên liệu của Việt Nam, nên quy hoạch tập trung cho phát triển nguồn nguyên liệu từ tinh bột là sắn và nguồn từ mía đường thành vùng nguyên liệu đủ lớn cung cấp cho nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó phải ứng dụng các giống mới có năng suất cao và siêu cao mới đảm bảo cho giá thành cồn hạ. Các biện pháp thâm canh tăng năng suất cũng quan trọng để đảm bảo năng suất cao, sản lượng lớn. Từ các số liệu thống kê ta thấy để phát triển vùng nguyên liệu nên tập trung vào những vùng có diện tích, năng suất và sản lượng lớn.
Theo chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đến năm 2010 dự báo khả năng mở rộng đất nông nghiệp tối đa là 1,0 triệu ha trong đó lúa nước 127,9 ngàn ha, cây ngắn ngày 362,4 ngàn ha. Các vùng sinh thái nông nghiệp như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ có những khu vực mở rộng cây ngắn ngày tương đối tập trung. Các vùng sinh thái nông nghiệp Đông Bắc, Bắc Hoàng Liên Sơn, Tây Bắc, Duyên hải Bắc Trung Bộ có những diện tích đất mở rộng cho cây ngắn ngày phân tán. Phương hướng phát triển cho 7 vùng kinh tế có liên quan đến cây nguyên liệu sản xuất cồn bao gồm:
- Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ: Thâm canh cao diện tích lúa nước, chuyển dần một phần diện tích lúa nương rẫy năng suất thấp và không ổn định sang trồng màu và cây công nghiệp có hiệu quả hơn, xây dựng nương thâm canh, mở rộng diện tích ngô lai để tăng sản lượng lương thực góp phần giải quyết nhu cầu tại chỗ. Lúa đạt 668,9 ngàn ha, sản lượng 4,1 triệu tấn. Ngô đạt 390 ngàn ha, sản lượng 1,45 triệu tấn.
- Vùng Đồng bằng Sông Hồng: Tiếp tục phát triển theo hướng thâm canh, tăng năng suất lúa. Năm 2010 mục tiêu đạt 7,2 triệu tấn lúa, diện tích trồng ngô đạt 200 ngàn ha, sản lượng ngô đạt 800 ngàn tấn.
- Vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ: Quản lý tốt diện tích đất lúa, từng bước chuyển diện tích sản xuất cho năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có hiệu quả hơn. Năm 2010 diện tích lúa đạt 679 ngàn ha, sản lượng 3,1 triệu tấn, diện tích ngô đạt 140 ngàn ha, sản lượng 595 ngàn tấn. Hình thành vùng nguyên liệu mía công nghiệp cho các nhà máy ở 4 tỉnh trong đó Thanh Hoá, Nghệ An chiếm tỷ trọng cao (gần 70% toàn vùng). Diện tích năm 2010 đạt 79,1 ngàn ha, sản lượng 5,9 triệu tấn.
- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Về an ninh lương thực tiếp tục chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, kết hợp biện pháp giống và thâm canh để đưa sản xuất lương thực vào thế ổn định và có tăng trưởng. Đến năm 2010 diện tích gieo trồng lúa đạt 516,8 ngàn ha, sản lượng 2,7 triệu tấn; ngô 70 ngàn ha, sản lượng 257,6 ngàn tấn. Mía là cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của vùng. Tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định có năng suất cao nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Quy mô diện tích đến năm 2010 là 81,4 ngàn ha, sản lượng 5,3 triệu tấn.
- Vùng Tây Nguyên: Tận dụng triệt để diện tích lúa nước hiện có, mở rộng diện tích ngô lai. Đến năm 2010 diện tích lúa cả vùng đạt 193,5 ngàn ha, ngô đạt 150 ngàn ha. Phấn đấu đến năm 2010 diện tích mía toàn vùng đạt 36 ngàn ha, tập trung ở 2 tỉnh Ga Lai, Đắc lắc. Mía thâm canh đạt năng suất 70-80 tấn/ha.
- Vùng Đông Nam Bộ: Diện tích lúa đạt 300 ngàn ha sản lượng đạt 1,3 triệu tấn đến năm 2010. Ngô đạt diện tích 150 ngàn ha, sản lượng 601 ngàn tấn. Mía phấn đấu đạt 75 tấn/ha, diện tích 40 ngàn ha.
- Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: Lương thực chỉ phát triển ở mức độ nhất định. Diện tích khoảng 3.898,8 ngàn ha, sản lượng 19,3 triệu tấn. Phát triển 100 ngàn ha ngô sản lượng 549 ngàn tấn, vùng nguyên liệu mía đường, thâm canh tăng năng suất trên 80 ngàn ha đạt sản lượng 5,6 triệu tấn mía đường.
Chiến lược phát triển cây mía nói chung là vừa tập trung xây dựng vùng nguyên liệu bằng giống mới và thâm canh. Tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Trung du Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Cải tạo và thay thế những giống mía thoái hoá bằng các giống năng suất mía và hàm lượng đường cao như ROC1, ROC10, Quế đường 11, Việt đường và một số giống khác, mở rộng vùng mía trên đất đồi, đất phèn. Hình thành vùng mía tập trung quanh nhà máy (cự ly dưới 30km). Hình thành 3 khu công nghiệp chế biến đường tập trung là Ninh Bình – Thanh Hoá, Quảng Ngãi – Bình Định, Phú Yên và Tây Ninh. Đến năm 2010 diện tích mía cả nước đạt 356,5 ngàn ha, sản lượng 20 triệu tấn mía.
Tiềm năng nguồn nguyên liệu cho sản xuất diesel sinh học từ dầu thực vật
Đậu tương: Diện tích đậu tương cả nước tăng từ 110.000 ha năm 1990 lên 124.000 ha năm 2000 với tốc độ tăng bình quân 22,5%, đến năm 2005 cả nước hiện có khoảng 203.600 ha gieo trồng đậu tương, năng suất bình quân đạt 1,4 tấn/ha, tăng 6,3%, sản lượng đậu tương cả nước đạt 291,5 nghìn tấn, cao gấp 2,6 lần so với năm 1990. Gần 50% sản lượng đậu tương hàng năm được sản xuất ở đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Bắc
Lạc: Diện tích lạc của cả nước tăng từ 200 nghìn ha năm 1990 lên 269 nghìn ha năm 2005 với tốc độ tăng bình quân 1,5%/năm. Vùng Bắc Trung bộ có diện tích gieo trồng cao nhất, chiếm 30% tổng diện tích lạc hàng năm của cả nước. Năng suất lạc thời kỳ 1990-2000 đạt tốc độ tăng 4,1%/năm. Năm 2005, năng suất bình quân của cả nước đạt 1,8 tấn/ha, tăng 0,74 tấn/ha so với năm 1990. Mức tăng năng suất cao nhất đạt được ở đồng bằng sông Cửu Long với 2,3 tấn/ha. Tốc độ tăng sản lượng lạc trong giai đoạn 1990-2000 đạt 5,3%/năm, sản lượng tăng 90% trong thời kỳ trên do năng suất tăng 57% và diện tích tăng 20%. Hơn 50% sản lượng lạc của cả nước được sản xuất ở vùng Bắc Trung bộ và Đông Nam Bộ
Dừa: Về mặt kỹ thuật, các nghiên cứu đã chứng minh rằng dầu dừa là một trong các nguồn nguyên liệu phù hợp cho sản xuất diesel sinh học. Cây dừa là cây có khả năng phát triển tốt tại nước ta. Đây là loại cây dễ trồng, chi phí sản xuất thấp, mang lại cho người nông dân nhiều giá trị kinh tế. Tổng diện tích trồng dừa tại Việt Nam năm 2005 là khoảng 132.100 ha và sản lượng là 972.200 tấn, năng suất trung bình 7,35 tấn quả/ ha.
Hai khu vực trồng dừa lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu long và miền Duyên hải Nam Trung bộ với diện tích tương ứng là 105.000 và 20.000 ha. Sản lượng năm 2003 xấp xỉ 714.000 và 136.000 tấn (tính theo trọng lượng quả). Diện tích trồng dừa của các vùng còn lại khá nhỏ, không đáng kể xét về mặt sản xuất công nghiệp.
Diện tích trồng dừa tiềm năng ở nước ta vào khoảng 220.000 - 250.000 ha, sản lượng trái theo tính toán là khoảng 1.300.000 000 - 1.440.000.000 trái/năm.
Đánh giá chung về cơ hội và thách thức đối với phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam
Thuận lợi
1. Vấn đề an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường tại Việt Nam đang ngày càng trở nên bức xúc và được Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm.
2. Việt Nam có điều kiện để sản xuất nhiên liệu sinh học từ nguồn sinh khối của một nước nhiệt đới với nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp.
3. Bước đầu tiếp cận các nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học và đã thu được một số kết quả quan trọng.
4. Tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học của Việt Nam bắt đầu được đầu tư, đội ngũ cán bộ khoa học sinh học đang được đào tạo bổ sung, một số cơ sở phối chế và phân phối xăng dầu trong nước đã bước đầu tạo dựng được cơ sở vật chất và tiềm lực của ngành hoá dầu nên rất thuận lợi khi tiếp cận và tiếp thu được công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học hiện đại để phát triển việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu hoá thạch đang phải nhập khẩu.
5. Việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học đã trở thành một xu thế phổ biến trên thế giới trong việc tìm kiếm các nguồn nhiên liệu có khả năng tái tạo được. Nhiều quốc gia đã thu được những thành công rực rỡ trong lĩnh vực này như Brazil, Mỹ, Đức, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan,... Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi từ những bài học được đúc rút trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, sử dụng của các nước đi trước
Khó khăn
1. Trình độ công nghệ và thiết bị: hầu hết các cơ sở sản xuất cồn trong nước hiện nay đều sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, thiết bị chắp vá thiếu đồng bộ, công suất nhỏ (dưới 10 triệu lít/năm), tiêu hao nhiều năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, hiệu suất tổng thu hồi so với lý thuyết chỉ đạt khoảng 80% (các nước tiên tiến đạt trên 90%), chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu sinh khối truyền thống (ngũ cốc, rỉ đường) khiến giá thành sản phẩm cao. Các cơ sở sản xuất dầu mỡ động, thực vật có công nghệ thiết bị tách dầu, mỡ lạc hậu, tỷ lệ thu hồi thấp. Việc nghiên cứu phát triển công nghệ phối trộn cồn và dầu mỡ động thực vật vào xăng dầu khoáng mới chỉ ở những bước thử nghiệm.
2. Chất lượng nguồn nhân lực: Cán bộ khoa học và kỹ thuật viên lành nghề còn quá ít về số lượng, hạn chế về trình độ khi tiếp cận công nghệ hiện đại để sản xuất nhiên liệu sinh học (từ sản xuất nguyên liệu sinh khối cho đến chuyển hoá thành nhiên liệu thương mại), thiếu các chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại.
3. Hạn chế về đầu tư: đầu tư cho việc phát triển và ứng dụng nhiên liệu sinh học đòi hỏi phải lâu dài cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai sản xuất, mạng lưới tiêu thụ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực và cơ sở vật chất, nhập khẩu công nghệ và thiết bị hiện đại, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Nhưng nguồn kinh phí đầu tư còn rất hạn hẹp, chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước cho các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, chưa đầu tư tập trung và dứt điểm, chưa khai thác sự đóng góp của các loại hình kinh tế cho việc đầu tư phát triển. Mức độ đầu tư cho phát triển và ứng dụng nhiên liệu sinh học của Việt Nam còn ở mức rất thấp so với quốc tế.
4. Hạn chế về nghiên cứu triển khai và ứng dụng: chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan trong việc phối hợp nghiên cứu triển khai và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, chưa khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Nội dung nghiên cứu triển khai còn dàn trải, kết quả nghiên cứu phần lớn vẫn dừng ở quy mô phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thị trường, chưa xác định được những điểm “đột phá” để nhiên liệu sinh học có thể thay thế một phần cho nhiêu liệu hoá thạch. Nguồn nguyên liệu sinh khối vẫn được sản xuất bằng giống và quy trình canh tác cũ nên năng suất thấp, chất lượng không cao, chưa có những giống cây trồng và qui trình canh tác phù hợp để phát triển nguyên liệu với năng suất cao, có chất lượng phù hợp với công nghệ và đáp ứng yêu cầu của sản xuất theo nhu cầu thị trường nên gặp khó khăn khi sản xuất ở quy mô công nghiệp.
5. Hệ thống pháp lý: Chưa có những cơ chế, chính sách ưu tiên trong đầu tư, thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và phát triển nguyên liệu, chuyển giao và phát triển công nghệ, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền lợi của nhà đầu tư để phát triển và ứng dụng nhiên liệu sinh học. Chưa có các quy định về môi trường theo hướng khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch cũng như hệ thống tiêu chuẩn cho các sản phẩm nhiên liệu sinh học.
6. Hạn chế về hợp tác quốc tế: Chương trình hợp tác quốc tế về nghiên cứu, phát triển, sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học bao gồm: xây dựng cơ sở pháp lý cho việc sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học, nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và thiết bị còn quá ít và chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Liên hệ với người đăng tin này: Nguyễn Trang Nhung - nguyentrangnhung@agro.gov.vn