Bò thịt: Chờ một chính sách lớn Cục Chăn nuôi đánh giá, con bò đang được người dân rất quan tâm phát triển thông qua các chương trình dự án của Bộ NN-PTNT. Từ năm 2001-2006 đàn bò cả nước từ 3,89 triệu con lên 6,51 triệu con (có 2,08 triệu bò lai Zebu). Cũng thời gian này, tổng sản lượng thịt bò hơn sản xuất và tiêu thụ tăng nhanh từ 97,7 ngàn tấn lên 159,4 ngàn tấn. Đánh giá cho thấy, phát triển chăn nuôi bò thịt đang thực sự góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, sản lượng phụ phẩm nông nghiệp từ rơm rạ, bắp, mía, khoai lang… trên 41 triệu tấn, nếu bảo quản tốt có thể phát triển đến 10 triệu con bò thịt. Bò thịt dễ nuôi nên hiện cả nước có nhiều mô hình chăn nuôi bò thịt, một số trại quy mô trên 100 con đã xuất hiện ở các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận. Việc bò thịt tăng đàn còn do nhu cầu rất lớn của người dân sau khi mức sống được cải thiện. Tuy nhiên, ông Đào Văn Hùng-GĐ Trung tâm Kĩ thuật giống vật nuôi Bình Định đã gây “sốc”. “Chương trình cải tạo đàn bò thịt ở 54 tỉnh đặt ra vấn đề mua tinh của Nhà nước nhưng chất lượng tinh 2 năm nay giảm, còn giá tới 20.000 đ/liều nên nông dân rất lo. Họ tìm bò đực giống tốt phối trực tiếp nên quản lý, theo dõi đàn rất khó khăn”. Một số đại biểu cũng tâm sự rằng nếu chất lượng tinh bò như vậy thì đàn bò thịt sẽ ra sao? Giá giống, giá thịt giảm thì nông dân lại lao đao. Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN, ông Lê Bá Lịch lên tiếng: “Chất lượng tinh và giá bán như vậy là không chấp nhận được. Dứt khoát phải xem lại chuyện này và phải minh bạch”. Dù đánh giá cơ hội phát triển bò thịt ở trong nước đầy triển vọng nhưng chính sách vĩ mô để tạo nên sức bật lại chưa có. Ông Hoàng Kim Giao-Cục phó phụ trách Cục Chăn nuôi cho rằng, bò sữa đã có quyết định 167/QĐ-TTg từ năm 2001 nhưng bò thịt thì chưa. Vì chưa có chính sách tổng thể và phát triển chăn nuôi bò thịt nên tốc độ cải tạo đàn theo hướng nâng cao chất lượng và sản lượng thịt trong những năm qua chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Nguyên GĐ Cty Bò sữa TPHCM (TCty Nông nghiệp Sài Gòn), ông Phạm Văn Nhoai nhấn mạnh: “Chính sách phải thật sự ưu đãi nhưng không thể áp dụng đại trà, chỗ nào cũng nuôi bò thịt. Trước đây bò sữa đưa xuống ĐBSCL nhưng con người “sống chung với lũ” hổng nổi huống gì bò sữa. Bò thịt cũng đưa xuống vùng lũ thì lấy gì mà ăn”. Bò sữa: Chất lượng sữa tươi chờ "trọng tài"! Mặc dù giá thu mua sữa tươi đang ở mức cao nhưng ông Vũ Phương Bình (GĐ Trang trại Bò sữa Thanh Bình, TPHCM) vẫn cảnh báo, quản lý chất lượng và giá sữa thu mua hiện nay là chưa công bằng. Theo ông Bình, nông dân sản xuất ra sữa còn công ty định giá, định lượng nên họ chưa thoả mãn. “Nông dân cảm giác mình bị ép và nắm đằng lưỡi. Vì vậy tôi đề nghị để có sự công bằng thì DN nên đầu tư thiết bị kiểm tra sữa cho nông dân rồi trừ tiền của họ dần dần”-ông Bình đề nghị. Ông Nguyễn Quang Bích-Trưởng nhóm các hộ trình diễn dự án bò sữa Việt-Bỉ (đại diện cho khối tư nhân) dẫn chứng: “Dự án Việt-Bỉ cung cấp thiết bị kiểm tra sữa, đánh giá chất lượng rõ ràng, không còn mơ hồ nên người chăn nuôi an tâm”. Ông Bích yêu cầu nên có một “trọng tài” để cân bằng lợi ích vì hiện nay DN thu mua sữa cho kết quả kiểm tra chậm nên nông dân thiệt thòi. Đứng ở góc độ DN, ông Vương Ngọc Long-Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu sữa Vinamilk cho hay: Quan điểm của Cty là sữa vào cổng nhà máy và đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo, vì thực tế ở các vựa mua sữa cũng rất phức tạp. Ông Long đề nghị tốt nhất là nên có một đơn vị trung gian làm “trọng tài”. Mà việc “trọng tài” chỉ có Nhà nước để công tâm giữa DN và người sản xuất sữa. Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Bộ sẽ ban hành các tiêu chuẩn về giống Trách nhiệm của Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo quy hoạch chăn nuôi tập trung ở từng vùng, tạo chuỗi quy trình sản xuất, giết mổ… cho chặt chẽ. Chăn nuôi của ta còn nhỏ lẻ nên giai đoạn tới theo hướng nhập những giống thuần chuyên về thịt, khuyến khích DN tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến XK. Hướng đến, Bộ phối hợp cùng với Bộ Nội vụ tạo nguồn nhân lực, củng cố lực lượng chuyên môn vì ở tỉnh và huyện còn rất thiếu. Tôi nghĩ từng tỉnh cũng nên quan tâm đến vấn đề này. Đối với quản lý giống, Bộ cũng sẽ ban hành các tiêu chuẩn về giống, đồng thời có biện pháp tuyên truyền giống tốt để người chăn nuôi biết mà lựa chọn. Bộ NN-PTNT chắc chắn sẽ có dự thảo về chính sách chăn nuôi bò thịt để lấy ý kiến các địa phương. Các chính sách được tập trung định hướng là giống hướng thịt, công tác thú y, hạ tầng cơ sở, thức ăn, vốn tín dụng và hỗ trợ giá bò thịt… |
|