Cụ thể, có 7 sản phẩm đạt loại A (rất tốt), gồm: Nhân điều mật ong và nhân điều Wasabi của Công ty Tanimex Long An; nhân điều vị muối và nhân điều rang muối (còn vỏ lụa) của Công ty TNHH Thảo Nguyên; nhân điều tươi rang củi (còn vỏ lụa) và nhân điều rang muối của Công ty TNHH Hoàng Phú; nhân điều rang muối (còn vỏ lụa) của Công ty CP Vinalimex TPHCM.
4 sản phẩm đạt loại B (tốt), gồm: Nhân điều mật ong của Công ty TNHH Thảo Nguyên; nhân điều rang muối (còn vỏ lụa) của Công ty CP Hà Mỵ; nhân điều vị muối và nhân điều mật ong của Công ty CP Vinalimex TP.HCM.
Ông Phạm Văn Công - Phó Chủ tịch Vinacas cho biết hiện nay một số DN chế biến XK hạt điều đang chuẩn bị đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại để đáp ứng hợp đồng lớn của các thị trường khó tính.
Cụ thể đối với hạt điều đóng hộp ăn liền XK sang Nhật Bản, Mỹ, DN phải sắm máy dò kim loại vì chẳng may sản phẩm dính miểng kim loại là đối tác ngưng hợp tác ngay. Còn ở Mỹ, EU cần có máy bắn màu để phân loại riêng các loại hạt điều màu trắng, vàng theo nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Công, đối với sản phẩm hạt điều đóng hộp, tẩm gia vị sắp tới Việt Nam sẽ không chỉ cạnh tranh với Ấn Độ mà cả với Trung Quốc Nước này trong năm 2014 đã âm thầm đầu tư mua bán điều thô, lên kế hoạch chế biến điều nhân ngay tại châu Phi. Một số DN Trung Quốc đã đầu tư nhà máy chế biến hạt điều đóng hộp (tẩm gia vị) tại các tỉnh biên giới giáp Việt Nam.
Theo đề án Phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồi đầu năm 2015, thì phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 20% sản phẩm nhân điều được chế biến sâu (nhân điều được chế biến thành thực phẩm ăn liền), trong đó tiêu thụ trong nước là 50%.
Đầu tư chế biến dầu hạt điều với thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến để đạt 125.000 lít sản phẩm/năm. Chế biến 100.000 lít nước ép điều để sản xuất cồn khô tại các vùng trồng điều tập trung. Chế biến ván ép từ gỗ điều và bã điều khoảng 10.000 m³.
Nguồn: Báo Hải quan