Rối và chậm
Hơn 2 tháng qua, Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và vật tư xây dựng nhà ở của khu vực nông thôn đã được triển khai, nhưng đa phần nông dân vùng ĐBSCL đều hiểu lờ mờ khi được hỏi về chủ trương này. Nhiều người cho biết nhờ đọc báo, xem đài mới hay chuyện cho vay hỗ trợ lãi suất, nhưng thủ tục và điều kiện vay như thế nào thì họ chưa hiểu tường tận, vì chưa được thông tin, hướng dẫn.
|
Máy gặt đập liên hợp là mơ ước của nông dân ĐBSCL nhưng không dễ mua theo QĐ 497. Ảnh: T.M |
Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, có trên 80% nông dân trong tỉnh chưa biết cách làm thủ tục vay vốn. Ông Dương Nghĩa Quốc, phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nói: “Bên cạnh việc không nắm thủ tục, người dân còn chưa đủ khả năng làm dự án, phương án thanh toán nợ để đi vay. nếu không được hướng dẫn cụ thể thì nông dân đành bó tay”.
Tại Cà Mau, ông Lý Nam Hải, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh, cho biết vốn vẫn chưa giải ngân được vì ở một số huyện mới triển khai đến chính quyền cấp xã. Hơn nữa, với mức vay không quá 7 triệu đồng/ha để mua vật tư sản xuất nông nghiệp sẽ rất khó cho những nông dân nghèo, ít đất.
Tại Kiên Giang, Ngân hàng NN-PTNT tỉnh cho biết, toàn tỉnh mới có hơn 20 hộ nông dân làm thủ tục vay. Tình hình ở An Giang cũng tương tự. Trong khi đó tại Đồng Tháp, chưa có hộ nông dân nào đến ngân hàng vay vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất.
Đại biểu Quốc Hội tỉnh Long An, ông Trần Minh Mẫn, cho biết: “Chính sách hỗ trợ 4% lãi suất áp dụng cho các khoản vay mới không đến được đa số nông dân, vì hầu hết tài sản của bà con đều thế chấp ở ngân hàng bởi các khoản vay cũ với lãi suất cao”. Ngoài ra, theo quy định, hàng hóa được mua phải là hàng sản xuất trong nước.
Trên thực tế, các loại máy móc mà nông dân vùng trồng lúa thường sử dụng đa phần sản xuất ở nước ngoài. Riêng máy gặt đập liên hợp, từ 2 năm nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã có chương trình hỗ trợ cho nông dân mua sắm, nhưng trong đó có khoảng 80% sản xuất tại Trung Quốc!
Hay như nông dân còn cần vốn hỗ trợ lãi suất để mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, những loại hàng hóa này ít có hóa đơn, chứng từ nên muốn vay vốn cũng không đơn giản. Còn khoản vay mua vật liệu xây dựng nhà ở thì... chưa nghe ai nói đến.
Nhanh chóng tháo gỡ
So với các địa phương khác, Vĩnh Long là tỉnh triển khai chương trình khá sớm, bước đầu nguồn vốn đã phát huy hiệu quả. Tại nhiều huyện như Long Hồ, Măng Thít, không ít nông dân đã vay vốn hỗ trợ lãi suất để chăn nuôi. Đồng thời, một số doanh nghiệp ngành cơ khí, sản xuất phân bón trong tỉnh đã đăng ký bán hàng sản xuất trong nước được hưởng hỗ trợ lãi suất như: Công ty Cổ phần Cơ khí Cửu Long, Công ty Phát triển Kỹ thuật Vĩnh Long... Tuy nhiên, Vĩnh Long chỉ là trường hợp cá biệt. việc triển khai chương trình ở các địa phương khác vẫn đang “rối như tơ”.
Chủ nhiệm một HTX nông nghiệp ở Cần Thơ cho biết: “Hộ nào có phương án sản xuất đủ điều kiện, ngân hàng mới đồng ý cho vay và được hưởng lãi suất ưu đãi. Trong phương án sản xuất, ngân hàng yêu cầu phải thể hiện rõ nông - thủy sản làm ra bán cho ai, bán ở đâu và phải thể hiện bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, hiện nay rất ít sản phẩm nông dân làm ra được bao tiêu”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chương trình kích cầu nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả cao nhất, khi triển khai, các cơ quan, địa phương liên quan cần dựa trên tình hình sản xuất nông nghiệp tại chỗ để phân bổ, ưu tiên phù hợp, đúng đối tượng. Nguồn vốn cần được công khai, minh bạch. Cần có chương trình kích cầu dài hạn, tập trung hỗ trợ có điểm nhấn vào quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, bao tiêu sản phẩm, bình ổn giá...
Các chính sách hỗ trợ cần hướng trực tiếp đến nông dân, giúp nông dân chủ động nguồn vốn đầu tư vào con giống, cây giống, tư liệu sản xuất. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ vay cho nông dân, điều chỉnh lãi suất, xem xét để giảm, giãn cho các khoản vay lãi suất cao trước đây.