Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phải làm quen luật chơi thế giới
22 | 07 | 2009
Ngày càng nhiều cáo buộc VN bán phá giá, sau cá tra, ba sa, tôm... đến cáo buộc trợ cấp túi nilông. Nhiều chuyên gia cho rằng VN hoàn toàn có thể tránh những vụ việc này nếu biết cách. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hoàng Phước Hiệp - vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp - cho biết:
TS Hoàng Phước Hiệp

- Trong thương mại thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không hề cấm bán phá giá. Nhìn “tứ trụ” trong thương mại thế giới là Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, các doanh nghiệp của họ thường xuyên bán phá giá với mục tiêu rõ ràng và có kế hoạch để vẫn có lợi. Các doanh nghiệp VN dường như ít người hiểu điều này. Chúng ta vẫn chủ yếu phê phán các quyết định áp thuế chống bán phá giá mà không biết rằng ngay cả khi có bán phá giá, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ động để họ không thể điều tra, áp thuế chống bán phá giá với mình.

* Vậy theo ông, cần làm gì để chống hoặc hạn chế được thuế chống bán phá giá nhắm vào hàng VN?

- Một mặt hàng của VN bán tại EU sẽ bị cho là bán phá giá khi giá bán sản phẩm đó tại EU thấp hơn giá thành tại VN. Nguyên tắc đầu tiên để bị điều tra, hàng hóa xuất khẩu được cho là bán phá giá phải chiếm từ 7% trở lên thị phần nước nhập khẩu. Vì vậy, nếu đa dạng hóa thị trường sẽ khó rơi vào diện bị điều tra. Thứ hai, ví dụ giá bán sản phẩm cá tra ở thị trường Mỹ thấp hơn giá thành ở VN từ 2% so với tổng giá trị sản phẩm thì dù VN có bán phá giá, mức đó được coi là không đáng kể và không bị điều tra. Ngay cả khi cần bán phá giá, kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cho thấy chỉ nên bán thấp hơn giá thành dưới 25% để khi có bị áp thuế chống bán phá giá với mức 25%, sản phẩm không bị mất hẳn lợi thế cạnh tranh.

* Hiện nhiều doanh nghiệp khi bị điều tra rồi cũng không biết trả lời thế nào cho có lợi?

- Đúng vậy. Như trường hợp cá tra, ba sa ta bị điều tra, khi họ cử người sang điều tra, nhiều doanh nghiệp đã không trả lời được bản câu hỏi một cách có lợi nhất cho mình. Dù cá tra, ba sa ở ta là cá nuôi, nhưng khi họ hỏi nuôi thì lưu lượng nước chảy qua lồng là bao nhiêu, ta không biết. Nhiệt độ trung bình trong lồng bao nhiêu, nồng độ các tạp chất trong nước bao nhiêu, ta đều không biết. Thế là cá VN bị kết luận là cá tự nhiên. Rồi có điều tra viên của họ hỏi người dân tại sao có thể bán giá rẻ thế, có người trả lời thêm vào một câu “do các cháu trong nhà tự làm”. Thế là họ yêu cầu xem xét không những áp thuế mà còn cấm luôn không cho nhập vào Mỹ, vì sản phẩm này tận dụng lao động trẻ em, theo luật Mỹ bị cấm.

Khởi đầu từ vụ kiện bán phá giá cá ba sa, đến nay đã có hàng loạt vụ kiện khác nhắm vào nhiều mặt hàng của VN. Ảnh: thu hoạch cá tra tại Hòa Lạc, Phú Tân (An Giang) - Ảnh: Đức Vịnh

* Thưa ông, gần đây có một số nghị sĩ Mỹ phản đối áp thuế chống phá giá với cá tra, ba sa VN vì lo VN sẽ có biện pháp với thịt bò Mỹ. Giờ chúng ta nhận ra VN cũng có thể “có đi có lại”?

- WTO có năm nguyên tắc, nổi bật là không phân biệt đối xử, càng ngày càng tự do hơn, luật lệ có thể dự báo trước... nhưng không có nguyên tắc có đi có lại. Có đi có lại chỉ có trong đàm phán, còn khi đã ký rồi phải tuân thủ. Họ điều tra chống bán phá giá cá của mình, mình tìm cách áp thuế với thịt bò của họ là đã hiểu nhầm sang biện pháp trả đũa. Trong WTO ai làm sai quy định mới có thể bị phạt. Nếu VN thấy phạt không đúng, hiệp hội ngành hàng có thể đệ đơn lên Chính phủ để đưa ra WTO xử lại, nhưng ta phải có đủ tài liệu và chứng cứ nói họ sai. VN có thể điều tra bán phá giá bất cứ mặt hàng nào vào VN nhưng phải đủ chứng cứ chứng minh họ bán phá giá.

* Nghĩa là hiện tại chúng ta phải học làm sao sống chung với chuyện bị kiện bán phá giá?

- Trung Quốc có năm bị kiện bán phá giá trên 30-40 vụ, Mỹ cũng bán phá giá và kiện bán phá giá là một biện pháp thị trường sẽ được sử dụng thường xuyên. Doanh nghiệp VN không còn cách nào khác là phải làm quen với luật chơi thế giới. Chúng ta xuất cá tra, ba sa sang Mỹ không chỉ cần có mối quen Việt kiều bên đó mà cần có hiệp hội để tìm hiểu, nắm thông tin và bảo vệ quyền lợi cho mình.

Ban đầu bị điều tra bán phá giá cá tra ta rất lo, nhưng sau đó nhiều doanh nghiệp nói phải cảm ơn Mỹ vì nhờ đó nhiều nơi biết đến cá tra VN. Sau đó ta xuất khẩu được sang nhiều thị trường khác. Vậy thay vì lo sợ thì hãy chủ động tiếp cận, sử dụng các công cụ trong thương mại quốc tế để tận dụng lợi ích, hoặc ít nhất là giảm được những thiệt hại không đáng có.

Quyền lợi đi liền hiểu biết

Các nước họ am hiểu quy định thương mại thế giới nên tận dụng rất nhanh. Như khi ta đàm phán vấn đề nhập thịt gà của Mỹ vào VN, do thịt gà Mỹ rất rẻ, chỉ gần 1 USD/kg, ta đưa ra yêu cầu cao về hàm lượng một loại khuẩn có trong thịt gà. Ngay lập tức họ sang điều tra ở VN và chứng minh ngay thịt gà ta đang bán có hàm lượng khuẩn đó cao hơn cả chục lần mức ta yêu cầu với thịt gà Mỹ. Áp quy định không phân biệt đối xử, họ đã đòi được quyền lợi của mình. Doanh nghiệp VN cũng nên chủ động, nếu cần thuê tư vấn để tránh bị thiệt thòi.

(Theo Tuổi Trẻ)


Báo cáo phân tích thị trường