Giá gia cầm "tuột dốc"
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá gia cầm ở Bình Định đã giảm gần một nửa, điển hình là gà Lương Phượng chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg, gà thả vườn 45.000 - 50.000 đồng/kg. Ông Lê Xuân Đạt, chủ trang trại có hơn 2.000 con gà ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết: “Giá giảm khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Trước đây, gà Lương Phượng có giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, gà thả vườn lên tới 75.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn giá đã giảm gần một nửa. Với mức giá này, người chăn nuôi bị lỗ nặng”.
Tại TP. Cần Thơ, mặc dù nguồn cung dồi dào nhưng thời gian gần đây, giá gia cầm cũng giảm mạnh do sức mua giảm tới 40%. Giá gà ta chỉ còn 80.000 đồng/kg, gà công nghiệp nguyên con 35.000 đồng/kg.
Ông Võ Công Khương, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (Tuy Phước) cho biết thêm: “Trong khi giá gà đang có xu hướng giảm thì giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Từ đầu năm đến nay, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có tới 9 đợt tăng giá cám thực phẩm hỗn hợp. Hiện loại cám hỗn hợp hiệu Higro cho gà thịt đang ở mức 220.000 đồng/bao (25kg), tăng 20.000 đồng/bao so với tháng trước; cám Higro cho gà đẻ trứng tăng 12.000 đồng/bao, ở mức 233.000 đồng/bao (25kg); cám Con Cò cho gà đẻ 134.000 đồng/bao (25kg), tăng 14.000 đồng... Tôi vừa xuất lứa gà thịt 200 con nhưng sau khi trừ chi phí, tính ra lỗ tiền công nuôi 2 tháng”.
Giá gia cầm giảm mạnh kéo giá trứng giảm theo. Hiện, giá trứng gà dao động ở mức 13.500 -15.000 đồng/chục, giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/chục so với thời điểm đầu năm. Ông Nguyễn Văn Bửu, hộ chăn nuôi gà đẻ trứng ở xã Phước Lộc (Tuy Phước) cho biết: “Trước đây, khi giá thức ăn còn thấp, với đàn gà đẻ 2.000 con, mỗi ngày tôi lãi 300.000– 500.000 đồng, nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây, khi giá thức ăn tăng, mức lãi đã giảm đáng kể, thậm chí có thời điểm còn lỗ”.
Giá giảm do cung vượt cầu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường gia cầm biến động mạnh trong 1 tháng qua là do cung vượt cầu. Thấy giá gia cầm ở mức cao, nhiều chủ trang trại, gia trại đã mở rộng, phát triển đàn gia cầm ồ ạt, đến khi xuất chuồng thì “tắc” đầu ra. Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, thị trường thịt gia cầm đang rơi vào “khủng hoảng thừa”, lượng gà chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2009 tăng 114% so với cùng kỳ năm 2008, đạt 256 triệu con. Hiện nay, so với giá thành thì người chăn nuôi phải chịu lỗ mỗi con gà khoảng 5.000-7.000 đồng. Chỉ tính riêng tại địa bàn tỉnh Bình Định, tổng đàn gia cầm đã vượt trên 4 triệu con, tăng 11% so với cuối năm 2008. Trong khi đó, sức tiêu thụ gia cầm giảm mạnh. Ngoài ra, thịt gia cầm trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh đối với nguồn gà nhập khẩu, bởi giá thành loại hàng này khá rẻ, thu hút khách hàng ở các bếp ăn tập thể, các cửa hàng kinh doanh ăn uống.
Về nguyên nhân giá thức ăn liên tục tăng, theo giải thích của các đại lý là do giá hầu hết các nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng khá mạnh. Tính tới giữa tháng 7/2009, giá khô đậu tương Ấn Độ tăng 48,8% so với hồi đầu năm, cao hơn 0,7% so với mức giá cùng kỳ năm trước, năm có mức giá tăng cao đỉnh điểm. Tương tự, so với đầu năm nay, giá bột thịt, bột xương ác -hen-ti-na tăng 15%, giá bột cá Pe-ru tăng khoảng 3%... Vì vậy, giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng là lẽ đương nhiên.
Được biết, trước thực trạng áp lực tăng giá thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị giảm thuế VAT nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi từ 5% xuống còn 0%. Bộ Tài chính cũng ủng hộ đề xuất này và sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
(Theo Kinh tế nông thôn)