Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuỷ sản Việt Nam ứng phó với rào cản thị trường
25 | 08 | 2009
Kể từ khi đổi mới, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có những đột phá quan trọng, đặc biệt là ngành thủy sản. Tuy nhiên, song hành cùng với thành công đó là không ít những khó khăn. Kể từ sau sự việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao nhất đối với các sản phẩm cá tra, basa có nguồn gốc từ Việt Nam vào năm 2002 thì có thể nói năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 là khoảng thời gian Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản cả về kỹ thuật lẫn phi kỹ thuật nhất không chỉ đối với cá tra, basa mà còn đối với cả tôm. Và hầu hết các rào cản này đều xuất phát từ vấn đề chất lượng đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.

Các chương trình phản đối các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam không ngừng lan rộng từ Ai Cập tới Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Ý mà mới đây nhất là trường hợp của New Dilân. Trong bối cảnh các rào cản từ các thị trường được lập ra ngày càng nhiều đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam thì chính phủ, các ban ngành, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đã và đang có các động thái nhằm ứng phó với các rào cản này.
Thành lập Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐB sông Cửu Long

Nhằm góp phần khắc phục những yếu kém trong khâu sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐB sông Cửu Long, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 26/5/2009. Theo Quyết định này thì Ban chỉ đạo gồm có 20 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ NN và PTNT giữ vai trò trưởng ban, các thành viên bao gồm đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và các địa phương vùng ĐB sông Cửu Long. Vào ngày 23/6/2009 Ban chỉ đạo đã chính thức ra mắt và tiến hành phiên họp đầu tiên vào tại Cần Thơ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xúc tiến thành lập Hiệp hội cá tra ĐB sông Cửu Long.

Lập mã số, mã vạch cho con cá tra, basa

Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐB sông Cửu Long cũng đang lên kế hoạch vận động và thực hiện việc áp mã số, mã vạch cho con cá tra, basa của vùng. Như vậy, mỗi hộ nuôi sẽ có một bộ hồ sơ từ nguồn gốc con giống, chế độ dinh dưỡng, nhật ký dùng thuốc trị bệnh, thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh vùng nuôi, ao nuôi. Khi đã tuân thủ đầy đủ các quy trình trên mỗi hộ nuôi sẽ được cấp một mã số, mã vạch. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh các thị trường ngày càng có những đòi hỏi khắt khe hơn về vệ sinh an toàn chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Củng cố và mở rộng thị trường

Việt Nam đã và đang có những động thái nhằm vừa củng cố những thị trường lớn, truyền thống vừa mở rộng thêm các thị trường mới cho xuất khẩu cá tra, basa nói riêng và các sản phẩm thủy sản nói chung. Đối với cá tra, cá basa, trước mắt, Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga tiếp tục duy trì hoạt động và có những điều chỉnh phù hợp về chỉ tiêu xuất khẩu cho 10 doanh nghiệp chế biến cá tra, basa được phép xuất khẩu trở lại thị trường Nga. Đồng thời Ban điều hành cũng tiếp tục đàm phán để có thể mở rộng hơn số lượng doanh nghiệp và sản lượng xuất khẩu vào thị trường này. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng Mỹ, vận động và thuyết phục các nhà làm luật Mỹ bỏ cá tra Việt Nam danh mục cá catfish. Theo báo cáo thủy sản quý 2/2009 của Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO), xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2009 vẫn tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2008 bấp chấp sản lượng cá da trơn bán ra của những nhà chế biến nước này giảm. Theo trung tâm này, 5 tháng đầu năm 2009, lượng cá tra, basa mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam cho tiêu dùng trong nước tăng mạnh (tăng 36,3%, tương đương tăng 3.413 tấn), trong khi lượng cá da trơn (catfish) được bán ra trên toàn nước Mỹ trong cùng thời gian này lại giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2008.

Khối lượng cá da trơn bán ra trên toàn nước Mỹ và khối lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam 5 tháng đầu năm 2008-2009 (tấn). Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ

Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm 2009 tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tốt trong chuyển dịch thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhiều thị trường tuy còn nhỏ nhưng lại có sự tăng trưởng kim ngạch tốt như thị trường Đông Âu, châu Á, các nước Ả rập sẽ tiếp tục được khai thác trong thời gian tới.

5 nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 triệu USD có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2009 (triệu USD, %)



Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cá tra, basa tại Việt Nam

Nhiều năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã quá quan tâm đến việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản tươi sống và đông lạnh mà ít chú trọng đến việc tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủy sản như các sản phẩm thủy sản chế biến. Việc ngày càng nhiều rào cản thương mại được lập ra để đối phó với các sản phẩm cá tra, basa, tôm của Việt Nam đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và bản thân các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh về chính sách và chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Nước Mỹ - quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 trên thế giới nhưng nhập khẩu thủy sản tươi sống và đông lạnh chỉ chiếm 31,2% trong 5 tháng đầu năm 2009 và có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2008 (tỷ lệ này là 36,5%) còn lại là nhập khẩu thủy sản chế biến (chiếm 68,8%).

Lượng nhập khẩu thủy sản tươi sống, đông lạnh và thủy sản chế biến của Mỹ 5 tháng đầu năm 2008-2009 (nghìn tấn). Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ




- Trần Ngọc Yến/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường