Tiến sỹ Heiner Lehr - Giám đốc Kỹ thuật Dự án Posoma, cho biết, sắp tới toàn bộ thủy sản nuôi trồng của vùng ĐBSCL sẽ được cấp mã số, mã vạch để quản lý chất lượng và nguồn gốc.
Theo đó, tem nhãn truy xuất nguồn gốc này bao gồm tên hộ nuôi trồng, hai nhãn phụ có thể bóc rời với mã số truy xuất nguồn gốc trong định dạng mã số vạch, ô trống để bổ sung thông tin viết tay, các thông tin khác để truy cập trên mạng điện tử.
|
Mỗi hộ nuôi trồng sẽ có một mã số, mã vạch riêng cho sản phẩm |
Mỗi hộ nuôi trồng sẽ được cấp một mã số, mã vạch riêng; mỗi đợt nuôi, người nuôi trồng sẽ giữ một mẫu truy xuất nguồn gốc riêng.Quy trình quản lý này được thực hiện theo các bước: Đầu vào (con giống) sẽ có một nhãn truy xuất từ nhà cung cấp; sau khi thu hoạch, sản phẩm đầu ra sẽ được dán nhãn truy xuất của hộ nuôi trồng lên lô sản phẩm trước khi giao cho nhà thu mua.
Sau khi nhận các lô hàng này, các nhà nhập khẩu xem nhãn như một dữ liệu quan trọng để đánh dấu lên vận đơn hoặc hoá đơn thanh toán để có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lô hàng khi cần thiết, nhất là khi phát hiện lô hàng không đảm bảo chất lượng.
Trước đó, toàn bộ con giống bố mẹ được các cơ sở cung cấp đều gắn chíp dạng RFID. Khi nhận con giống bố mẹ tại cơ sở sản xuất giống, có thể đọc các chỉ danh (ID) bằng máy đọc RFID và sẽ ghi được ID của chúng. Các hộ nuôi trồng được kiểm tra chất lượng con giống.
Theo đánh giá của Posoma, hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản này cho phép giám sát toàn bộ quy trình sản xuất một cách hiện đại, khoa học thông qua hệ thống điện tử mà lại không mất nhiều công sức.
Ngoài việc kiểm soát thực phẩm an toàn hơn, hệ thống này còn tạo khả năng triệu hồi sản phẩm hiệu quả. Nếu lô hàng nào bị phát hiện không đảm bảo chất lượng thì sẽ lần hồi kiểm tra từng khâu và quy trách nhiệm ở khâu có sai phạm, chứ không quy chụp chung chung là thủy sản Việt Nam kém chất lượng.
Gắn mã thử nghiệm gần 50.000 hộ mỗi huyện
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản, cho biết, hệ thống truy xuất nguồn gốc của Posoma thể hiện nhiều ưu việt, Bộ NN&PTNT đang triển khai thử nghiệm đối với cá tra tại An Giang và Bến Tre.
Theo đó, sẽ cho phép đăng ký gần 50.000 hộ nuôi trồng ở mỗi huyện của hai tỉnh này. Khi áp dụng hệ thống này, mỗi doanh nghiệp có thể truy xuất sản phẩm thu mua từ 1.300 ao nuôi mà không lo trùng mã số.
Theo thống kê, riêng tại An Giang và Bến Tre đã có khoảng 27.000 hộ nuôi trồng thủy sản, có tỉnh tới 150.000 hộ. Vì thế, việc quản lý rời rạc như trước đây là hiệu quả rất thấp mà chỉ có thể quản lý tốt nếu triển khai đồng bộ hệ thống giám sát điện tử.
Theo Giám đốc Kỹ thuật của Posoma, hệ thống mã số, mã vạch này sẽ giám sát các yếu tố chính ảnh hưởng chất lượng thủy sản như dư lượng thuốc kháng sinh và hóa chất được dùng trong quá trình nuôi và bảo quản, các loại dịch bệnh.
Một số nhà khoa học cho rằng, điểm yếu nhất của hệ thống này chính là chưa đưa ra những quy định về kiểm soát thức ăn chăn nuôi và hệ thống các nhà phân phối thuốc thú y.
Tăng cường kiểm tra chất lượng rau, thịt, thủy sản
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa ký văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Theo đó, đối với sản phẩm rau, cần tăng cường hoạt động lấy mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, không để lưu thông trên thị trường các thuốc trong danh mục cấm.
Đối với sản phẩm thịt, Bộ yêu cầu tổ chức đồng loạt kiểm tra các cơ sở giết mổ; triển khai các mô hình giết mổ tập trung; có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi giết mổ từ nhỏ lẻ sang mô hình giết mổ tập trung đảm bảo VSATTP và vệ sinh thú y hoặc chuyển sang làm nghề khác.