Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Thanh Oai:Vấn đề “nóng”: Hạn điền
17 | 09 | 2009
Mặc dù có tốc độ phát triển vào loại nhanh, nhưng chăn nuôi ở Thanh Oai (Hà Nội) còn manh mún, nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Đưa chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu dân cư, đồng thời mở rộng phát triển nuôi trồng thủy sản chắc chắn tạo được bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn có không ít vấn đề.

Từ quy hoạch…

 

Theo bà Đỗ Kim Dung, Phó phòng NN&PTNT huyện Thanh Oai, từ năm 2005, huyện đã xác định chuyển các xứ đồng xa, sâu trũng, cấy một vụ lúa thu hoạch bấp bênh… sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn huyện là 1.213ha, tập trung ở các xã Liên Châu, Dân Hòa, Hồng Dương… Năm 2009, huyện tiếp tục quy hoạch và hoàn thiện 3 khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư ở Tam Hưng 16ha, Kim Thư 15,5ha, Tân Ước 15ha. Kinh nghiệm từ xã Dân Hòa cho thấy, muốn phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản hay chăn nuôi xa khu dân cư phải có quy hoạch thật cụ thể, chi tiết. Ông Nguyễn Đình Thủy, Chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết, chú trọng tập trung dồn đổi những thửa ruộng ở vị trí có thể phát triển nông nghiệp lâu dài, làm tiền đề để chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

 

Cách làm của Dân Hòa là quy hoạch lại đồng ruộng để phát triển nông nghiệp, những nơi giao thông thủy lợi thuận tiện tiếp tục đẩy mạnh thâm canh 2 vụ lúa, 1 vụ đông, còn những nơi đồng "hoang hóa" dành để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Sau khi quy hoạch cho đấu thầu công khai, những hộ có tiềm năng kinh tế sẽ ra các khu chuyển đổi để đầu tư, còn lại các hộ khác sẽ tập trung làm nghề và dịch vụ. Kết quả, đến nay đã có 15 hộ nhận thầu 50/80ha vùng trũng để nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi trang trại đa canh, diện tích trung bình mỗi trang trại đều từ 5 đến 7ha. Với khả năng tích tụ ruộng đất tốt, nông dân mạnh dạn đầu tư, một số hộ như anh Phạm Thế Đức, Nguyễn Đình Hà… đã vươn lên làm giàu từ nông nghiệp.

 

* Mục tiêu đến năm 2010, huyện Thanh Oai có tổng số đàn lợn là 175.000 con, đàn bò là 8.000 con.

* Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 là 1.570ha, sản lượng cá đạt 5.660 tấn, năng suất đạt trên 6 tấn/ha.

… đến những vấn đề về cơ sở hạ tầng

 

Cũng theo bà Đỗ Kim Dung, vấn đề cốt yếu để các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư và nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững chính là vốn, tích tụ ruộng đất và hạn điền. Vốn, nông dân có thể vay mượn từ các nguồn, tích tụ ruộng đất sẽ được chính quyền hỗ trợ bằng dồn điền đổi thửa và sự đồng thuận của nhân dân, còn hạn điền lại không thuộc quyền quyết định của cơ sở nên đây là vấn đề rất khó. Anh Nguyễn Đình Hà ở xã Dân Hòa cho rằng, nông dân đầu tư hàng tỷ đồng làm trang trại thì không có hạn điền, còn doanh nghiệp đầu tư thì lại có quyền thuê đất tới 30-50 năm. Nông dân sản xuất trên 1ha mỗi năm cũng cho thu vài trăm triệu đồng, hiệu quả hơn rất nhiều so với những dự án giữ đất rồi để hoang.

 

Một khó khăn nữa mà nông dân đang gặp là hệ thống hạ tầng như đường giao thông còn quá yếu kém. Anh Phạm Thế Đức ở khu chuyển đổi của xã Dân Hòa nhẩm tính, nếu đường giao thông tốt, ô tô vào được trang trại thì giá bán cá, gà, vịt thường cao hơn từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg so với đường nhỏ, xấu chỉ đi được bằng xe máy.

 

Và chính sách khuyến khích

 

Để nông dân yên tâm sản xuất và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, huyện đã đề ra nhiều chính sách ưu đãi về mặt bằng chăn nuôi, nguồn vốn như đối với các hộ chăn nuôi bò ở khu tập trung, xa khu dân cư, nuôi từ 20 con trở lên được hỗ trợ 15 triệu đồng/mô hình để xây dựng chuồng trại; hỗ trợ lần đầu cho các hộ quy hoạch trồng cỏ với quy mô từ 3 sào trở lên ở mức 500.000 đồng/sào… Đối với các hộ chăn nuôi lợn tập trung xa khu dân cư có quy mô từ 3ha trở lên, với số đầu lợn từ 100 con trở lên được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha để xây dựng chuồng trại. Đối với nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha chuyển đổi nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi…

 

Bên cạnh đó, huyện xúc tiến việc lập quy hoạch và làm dự án khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư tại xã Bình Minh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các lò mổ nhỏ lẻ. Trong nuôi trồng thủy sản, huyện khuyến khích đẩy mạnh việc nuôi thả cá theo phương thức thâm canh và theo quy trình công nghệ mới, sử dụng các loại thức ăn tinh, thức ăn cho cá bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, huyện sẽ quy hoạch và xây dựng một số chợ đầu mối trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…



(Theo HNM)
Báo cáo phân tích thị trường