Tính từ đầu tháng 7/2009 đến hôm qua 14/10, tại TPHCM có 17 lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước về TP với khối lượng hơn 310 tấn của tám doanh nghiệp đã bị phát hiện nhiễm vi sinh.
Ông Nguyễn Xuân Bình - GĐ Cơ quan Thú y Vùng VI cho biết: Cty Việt Phong là doanh nghiệp có số thịt bẩn lớn nhất với trên 60 tấn, gồm dồi trường và gần 20 tấn cánh, chân gà đang nằm ở kho Liên Hiệp tại quận Tân Phú. 43 tấn cánh gà nằm ở kho Nhan Hòa thuộc huyện Bình Chánh cũng được xác định là của Cty Intimex TPHCM. Tiếp đến là Cty Thái Hòa nhập khẩu 57 tấn cánh gà nhiễm khuẩn...
Ông Bình cho biết: “Tất cả các lô hàng nhiễm vi sinh trên đều đã có quyết định tái xuất của Cơ quan Thú y vùng VI, vậy nhưng đến nay vẫn chưa có một tấn hàng nào rời khỏi cảng để tái xuất”. Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong chiều qua, nhiều doanh nghiệp cho biết rất khó tái xuất thịt bẩn vì phía đối tác nước ngoài không nhận hàng và chi phí tái xuất rất cao.
Trong khi hơn 310 tấn thịt các loại nhiễm bẩn vẫn án binh bất động ở cảng và các kho cơ quan chức năng đã phát hiện một lượng lớn thịt bẩn này đã bị doanh nghiệp tìm cách tuồn ra thị trường.
Một số Cty khác có hàng nhiễm bẩn trên có công văn xin cơ quan chức năng cho gia hạn thời gian để tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn bốn doanh nghiệp không có báo cáo về hướng xử lý các lô hàng bị nhiễm khuẩn này.
Trước đó, Cục Thú y từng có văn bản yêu cầu: “Nếu hàng không đạt vệ sinh thì xử lý theo pháp luật và bắt buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy, không cho chuyển mục đích sử dụng”. Vậy nhưng theo ông Bình một số doanh nghiệp sau khi nhập thịt bẩn lại xin chuyển mục đích sử dụng thịt bẩn của mình để bán cho các trại cá sấu ở TPHCM và Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, theo quy định của Cục Thú y thì không thể chuyển mục đích sử dụng. “Chúng tôi sẽ có kiến nghị lên cấp trên và TPHCM để sớm giải quyết dứt điểm”- Ông Bình cho biết. Được biết, tiêu hủy hơn 310 tấn thịt bẩn trên doanh nghiệp sẽ mất khoảng hơn hai tỷ đồng.
* Hôm qua 14/10, Cục Cảnh sát môi trường phía Nam (C36) kết hợp cùng Thú y huyện Bình Chánh đã kiểm tra hai cơ sở chế biến xương động vật, lông gà, vịt là Phạm Văn Hảo và Thiên Phú, ở ấp 5, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, phát hiện hơn 700 tấn xương, lông động vật thối rữa không chứng từ, nguồn gốc và chưa rõ mục đích chế biến.
Theo ông Phạm Văn Lắm - Giám đốc Cty TNHH TM&SX Thiên Phú, Cty thu gom xương từ các nhà hàng, quán phở về sấy khô và xay ra làm thức ăn chăn nuôi.
Trong khi ông Phạm Văn Hảo - chủ cơ sở Phạm Văn Hảo cho rằng xương động vật, lông các loại được thu mua về để chế biến thành phân bón hữu cơ. C36 yêu cầu các cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không được sản xuất, mua bán và tiêu hủy đồng thời lấy mẫu xét nghiệm chờ cơ quan chức năng xử lý.