Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu thịt “bẩn”: cơ hội cho thịt trong nước
03 | 11 | 2009
Hàng loạt các vụ việc liên quan đến nhập khẩu thịt “bẩn” bị phát hiện thời gian qua khiến cho người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Vì chạy theo lợi nhuận, một số doanh nghiệp sẵn sàng coi nhẹ người tiêu dùng, bất chấp luật pháp, vi phạm đạo đức kinh doanh và phớt lờ trách nhiệm xã hội. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm trong nước gia tăng do người tiêu dùng mất dần niềm tin vào thực phẩm nhập khẩu, đây cũng chính là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chế biến trong nước xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường và niềm tin của người tiêu dùng.
Nhập khẩu thịt bẩn và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thú y, số lượng thịt nhập khẩu trong 3 năm gần đây liên tục tăng nhanh. Năm 2007 tổng lượng thịt nhập khẩu là 44.178 tấn, năm 2008 tăng lên 119.130 tấn và 6 tháng đầu năm 2009 là 57.206 tấn, trong đó thịt đông lạnh là 49.234 tấn, da muối 8.274 tấn... Mặc dù Cục Thú y đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu nhưng vẫn để lọt lưới vào thị trường nhiều lô hàng thịt gia súc, gia cầm không chứng minh được rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ghi sai nhãn mác, dán nhãn mới để thay đổi hạn sử dụng cho các sản phẩm đã quá hạn...

Sự vụ liên quan đến nhập khẩu thực phẩm “bẩn” của Vinafood (thịt), AC Food (sữa) khiến người tiêu dùng vẫn chưa hết hoang mang thì mới đây, ngày 30/9, cơ quan thú y đã phát hiện 72 tấn chân gà đông lạnh “bẩn” được một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhập khẩu về từ Ba Lan đã làm dấy lên những lo ngại về vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Những sự việc vừa qua cho thấy, đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang bị coi nhẹ, trong khi vai trò của hội bảo vệ người tiêu dùng khá mờ nhạt. Doanh nghiệp mải mê chạy theo lợi nhuận mà quyên đi trách nhiệm với thị trường, trách nhiệm với người tiêu dùng và sẵn sàng vi phạm các quy tắc đạo đức trong kinh doanh. Vinafood là một ví dụ điển hình khi hàng trăm tấn thịt nhập khẩu của họ bị các cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để xác minh làm rõ…vẫn được tẩu tán. Hành vi đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.

Sau hàng loạt các vụ việc gian lận liên quan đến xăng, sữa, và giờ là thực phẩm, đã đến lúc cần có chế tài đủ mạnh, thậm chí có thể đề nghị khởi tố các hành vi gian lận này nếu có đủ bằng chứng. Rõ ràng, đây là trách nhiệm của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Trong khi chờ đợi được bảo vệ, người tiêu dùng lại đành phải cố gắng trở thành người tiêu dùng thông thái trong bối cảnh đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp đang xuống thấp vì mải mê chạy theo lợi nhuận như hiện nay.

Cơ hội cho doanh nghiệp thực phẩm trong nước

Thông tin thịt bẩn ít nhiều tác động đến tâm lý người tiêu dùng, sức cầu thực phẩm trong nước tăng đáng kể kéo theo giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong nước có xu hướng tăng. Tuy vậy, mức tăng không quá mạnh do cung của ngành chăn nuôi trong nước tại thời điểm này khá ổn định. Mặt khác sức cầu còn yếu do hệ quả kéo dài của khủng hoảng kinh tế chưa đủ mạnh nên việc người dân quay lại mua thịt trong nước chưa đủ để kéo giá tăng lên.

Về phía doanh nghiệp, việc liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan đến nhập khẩu thực phẩm “bẩn” đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm trong nước xây dựng hình ảnh, tạo dựng lòng tin nơi khách hàng. Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Thông tin Phát triển NNNT (AGROINFO) cho thấy, xu hướng tiêu dùng thực phẩm tươi sống rất phổ biến trong các hộ gia đình tại Việt Nam. Một số loại thực phẩm  có mức độ sử dụng hàng ngày rất cao như thịt lợn, có tới 42,7% hộ gia đình được hỏi sử dụng hàng ngày; tỷ lệ này với thịt bò là 8,6%, thịt gia cầm là 6,5%. Tỷ lệ các hộ sử dụng thịt lợn, thịt bò và thịt gà vài lần một tuần lần lượt chiếm 52,4%, 55,4% và 53,0% những hộ được hỏi. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là có đến 80% các hộ gia đình chọn mua thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, số ít còn lại lựa chọn kênh phân phối siêu thị. Những con số thống kê nêu trên cho thấy, thực phẩm tươi sống là một thị trường đầy tiềm năng mà hầu như các doanh nghiệp chế biến trong nước hiện nay chưa quan tâm, khai thác. Việc phát hiện các vụ việc nhập khẩu thực phẩm “bẩn” là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chế biến trong nước.



* Nguồn: Số liệu Điều tra tiêu dùng thực phẩm 2008, AGROINFO.

Một số doanh nghiệp trong nước đã tỏ ra nhạy bén với thị trường, tung ra hàng loạt các sản phẩm thịt tươi sống đảm bảo VSATTP. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng đây là một trong những cách thức kinh doanh khôn ngoan của các doanh nghiệp, điển hình như Vissan, CP, Đức Việt, Huỳnh Gia Huynh Đệ. Sản phẩm của các doanh nghiệp này được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Hiện có 12,9% những người được hỏi tại Hà Nội đã sử dụng thịt lợn tươi sống của Vissan, con số này ở TP. Hồ Chí Minh ấn tượng hơn nhiều, chiếm đến 74,7% những người được hỏi. Đây thực sự là một tín hiệu tốt của thị trường bởi nó phản ánh hai xu hướng: thứ nhất là các doanh nghiệp đã tỏ ra nhạy bén hơn, quan tâm nhiều hơn đến thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng; thứ hai là người tiêu dùng cũng đang thay đổi thói quen và dần trở thành những người tiêu dùng thông thái.

Các nhà phân phối, bán lẻ cũng nhận thấy sự hấp dẫn của thị trường thực phẩm tươi sống nên cũng đẩy mạnh các sản phẩm có tính an toàn cao. Điển hình như Metro Cash & Carry, Big C, HaproMart, Sài Gòn Co.op, Fivimart đã nhanh chóng ký hợp đồng với các hộ sản xuất để tung ra thị trường các sản phẩm thịt tươi sống mang thương hiệu của chính họ.

Từ bẩn đến sạch, xu hướng không thể đảo chiều

Xu hướng đầu tư cho thịt sạch đang được các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ. Tháng 6/2009, công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ đã đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm  đặt tại thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp cùng với hai nhà máy khác đã đi vào hoạt động ở Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Ngày 13/8/2009, Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) có được giấy phép đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy hiện đại, chuyên giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm với tổng số vốn lên tới 700 tỉ đồng tại Long An.

Từ thịt bẩn đến thịt sạch, xu hướng này không thể đảo chiều và chắc chắn rằng, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm cần phải tôn trọng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Ở góc độ người tiêu dùng, xu hướng này ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết khi mà mức sống của người dân, nhất là bộ phận dân cư đô thị được cải thiện. Vấn đề VSATTP chứ không phải là giá cả là yếu tố được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Người tiêu dùng  sẵn sàng chi thêm tiền để tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo VSATTP và cũng sẵn sàng tẩy chay các sản phẩm kém chất lượng.


Hanh Phạm/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường