Trong tháng qua, giá cà phê trên thị trường thế giới, bao gồm cả cà phê Arabica và cà phê Robusta, đều tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong hơn 7 năm qua với mức trung bình 1.500 USD/tấn đối với cà phê Robusta loại 1 giao ngay tại thị trường London và 2.500 USD/tấn đối với cà phê Arabica tại thị trường New York.
Theo đánh giá của ICO, giá cà phê thế giới thời gian qua tăng mạnh là do dự trữ cà phê tại các nước xuất khẩu chính hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi đó, tình hình sản xuất cà phê tại Brazil, nước sản xuất cà phê Arabica nhiều nhất thế giới, không khả quan.
Năm ngoái, sản lượng cà phê thế giới đạt 106,86 triệu bao, bao gồm 69,25 triệu bao cà phê arabica và 37,61 triệu bao cà phê robusta, giảm 6,23% so với niên vụ 2004/05. Kết quả là xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đầu niên vụ (10/2005-7/2006) chỉ đạt 71,52 triệu bao, giảm 4,31 triệu bao so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, mặc dù giá cà phê hồi phục rất nhanh trong thời gian gần đây song khả năng Brazil mở rộng diện tích trồng cà phê trong thời gian tới khó xảy ra. Một trong những lý do là đồng USD tiếp tục suy yếu so với các bản tệ khác.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ICO, xu hướng tăng giá cà phê khó tiếp tục. Trong buổi đi thăm Brazil mới đây, ông Osorio, Giám đốc ICO cho rằng, sự hồi phục về giá chỉ có thể kéo dài trong thời gian ít nhất 2 năm.
Một mặt khác, xu thế tăng giá sẽ hạn chế hơn khi triển vọng về sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, tăng mạnh nhờ thời tiết thuận lợi cùng với sản lượng diện tích cà phê trồng mới. Dự báo, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2006/07 dự báo đạt 16,5 triệu bao (990.000 tấn), tăng so vơí 3 triệu bao so với mức ước đạt niên vụ 2005/06.
Ngoài ra, mức cung cầu cân bằng trong niên vụ 2006/07 cũng là một yếu tố giúp giá cả ổn định hơn trong thời gian tới. Theo ICO, hiện mức tiêu thụ cà phê trên toàn cầu trong thời gian tới có xu hướng chững lại ở một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và Tây Âu.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ nội địa tại các nước xuất khẩu cà phê lớn như Brazil, Colombia và Việt Nam có xu hướng tăng. Tại Brazil, hiện lượng tiêu thụ nội địa đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước đạt 16 triệu bao. Tại Việt Nam, hiện lượng tiêu thụ nội địa tuy tăng hàng năm song vẫn chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng cả nước. Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu vào năm 2010 tiêu thụ nội địa sẽ khoảng 10-15% tổng sản lượng cà phê cả nước.