Theo chân một doanh nghiệp thương mại, phóng viên SGTT đến nhiều nhà máy đông lạnh tại các tỉnh ĐBSCL hỏi mua cá tra xuất khẩu và chứng kiến sự thật phũ phàng này.
|
Sản phẩm cá tra bị một số doanh nghiệp gian lận về chất lượng, bán rẻ mạt |
Giá bao nhiêu cũng bán!
Sáng 27.11, chúng tôi và ông B., giám đốc một công ty thương mại tại TP.HCM đến nhà máy thủy sản đông lạnh có tiếng ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp kiểm tra lần cuối hai container (50 tấn) cá tra cắt khúc trước khi xuất đi Đông Âu. Đang trong ca sản xuất buổi sáng, nhưng nhà máy chế biến cá tra hoành tráng này chỉ có khoảng 1/3 công nhân làm việc. Một cán bộ quản lý xác nhận những cỗ máy còn lại nằm im ỉm do không có đơn hàng xuất khẩu. Anh T., người phụ trách kinh doanh nhà máy vào kho lạnh bê ra ba thùng cá tra để chúng tôi kiểm tra. Vừa cầm bịch cá lên xem, ông B. liền cau mày: “Cá size nhỏ như vầy thì chỉ có nước bị khách hàng Đông Âu trả về thôi. Còn nữa, trong hợp đồng thỏa thuận đuôi cá cắt cách vây đuôi bốn phân, sao bây giờ lại còn cả vây ở đây?”.
Sau một hồi năn nỉ, cuối cùng ông B chấp thuận cho nhà máy loại hết khúc đuôi, khúc nhỏ, chỉ để lại khúc nào lớn. Để làm được việc này, T. nói phải huy động công nhân cắt từng túi cá ra lựa (50 tấn, mỗi túi một kg), làm suốt ngày đêm mới kịp chở lên cảng TP.HCM giao cho ông B. vào đêm 29.11. “Không chỉ tốn công, chi phí đóng lại bao bì mà những phần loại ra không biết có bán được không”, T. than, nhưng sau đó lại nói như tự trấn an mình: “Bán được hàng lúc này là may lắm rồi, phải chấp nhận chiều khách”.
Ông B. kiếm được hợp đồng xuất khẩu cá tra dạng cắt khúc, rồi xuống nhà máy nói trên thuê gia công. Giá hợp đồng chỉ có 1,4 USD/kg, nhà máy phải đóng bao bì, ướp đông, đóng container giao tại cảng TP.HCM. Ông B. cho biết đây là mức giá không thể tốt hơn được nữa. Sở dĩ nhà máy phải bán rẻ và chấp nhận bị lỗ, bị “hành” như vậy là vì họ phải duy trì sản xuất để cầm cự. Theo tính toán, để làm ra 1 kg cá tra đông lạnh cắt khúc cần ít nhất 1,5 kg nguyên liệu (giá trung bình 15.000đ/kg), chưa kể chi phí bao bì, nhân công, vận chuyển… “Có nhà máy ở Cần Thơ còn chào giá cá cắt khúc chỉ 1,33 USD/kg”, ông B. nói thêm.
Theo Vasep, giá cá tra xuất khẩu trung bình 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt mức 2,23 USD/kg, giảm 0,02 USD/kg so với mức 2,25 USD/kg cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, trừ thị trường Mỹ, giá cá tra Việt Nam sang các thị trường khác đều giảm, nhất là Tây Ban Nha, Ba Lan, Ai Cập. |
Chúng tôi tiếp tục qua nhà máy V. ở An Giang hỏi mua cá phi lê thịt đỏ. Bà T., trưởng phòng kinh doanh nhà máy chào giá 1,55 USD/kg, nhưng ông B. lắc đầu, hạ xuống 1,43 USD/kg. Bà T. chấp nhận ký vào hợp đồng bán 2 container. Nhà máy V. là một trong những nhà máy có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn ở An Giang, nhưng hiện phải đóng cửa một số xưởng chế biến. Bà T. thừa nhận việc nhà máy chấp nhận bán giá rẻ là “để đẩy hết hàng tồn kho và duy trì việc làm công nhân”.
Không chỉ nhà máy V., hiện hầu hết các nhà máy đông lạnh đều gặp khó khăn do giá và đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh so với trước. Ông B. nói thị trường ế ẩm nên các nhà máy phải bán dạo từng container, chỉ cần đặt hai ba ngày là có hàng, giá cực rẻ.
|
Hệ lụy từ việc bán phá giá, chất lượng kém đã dẫn đến hàng loạt hậu quả xấu xảy ra đối với con cá tra thời gian qua |
Tiền nào của nấy
Tại nhà máy T. ở Cần Thơ, sau khi quan sát một vòng các khu vực chế biến cá, chúng tôi dừng lại ở khu vực được gọi là “quay tăng trọng”. Cá philê được ướp đá trong những chậu nhựa - thực chất đây là cách bơm nước cho nặng, sau đó bỏ vào bồn inox - giống như máy trộn bê tông, rồi đổ nước hóa chất (một loại bột trắng hòa nước) vào quay cho ngấm đều lên lớp ngoài philê. Ngoài tác dụng làm nặng ký, nước hóa chất sau khi khô bám vào philê, cá còn giữ được nước bên trong. Sau khi mạ băng (khoảng 20% trọng lượng), cả miếng philê sẽ thành một khối rắn, nhìn mắt thường rất khó biết cá bị độn tạp chất.
Một doanh nghiệp trong nghề cho hay, lớp hóa chất này vô hại với sức khỏe con người (?) nên được thị trường xuất khẩu chấp nhận. Nhưng đây lại là cách ăn gian trọng lượng.
Ông B. cũng khẳng định, 1 kg philê cá tra, ngoài tỷ lệ mạ băng 20 - 25% tùy vào sự cho phép và yêu cầu khách hàng, nhà máy đông lạnh còn ăn gian bằng cách bơm nước, quay tăng trọng thêm 5 - 10% nữa. Bà T. thừa nhận, thị trường cá tra hiện nay quá bát nháo, khách hàng trả giá nào doanh nghiệp cũng đáp ứng, nghĩa là giá cao đi liền với chất lượng tốt, còn rẻ thì chất lượng tồi.
Hệ lụy từ việc bán phá giá, chất lượng kém đã dẫn đến hàng loạt hậu quả xấu xảy ra đối với con cá tra thời gian qua. Chiều 29.11, ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam (Vasep) thừa nhận: giá cá tra đang được doanh nghiệp bán quá rẻ mạt, khiến khách hàng nước ngoài tha hồ ép giá, nghi ngờ chất lượng.