Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tin đồn khan hiếm gạo: “Bài cũ” không lặp lại
07 | 12 | 2009
Trong các ngày 1-2 và 3.12, tin đồn về việc khan hiếm gạo đã lan nhanh ra các chợ nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL. Một bộ phận người dân đã đi mua gạo với số lượng nhiều hơn bình thường. Các đại lý bán gạo đã rục rịch trữ hàng "đón gió".
 

Giá gạo nhích lên từ 200 đến 500đ/kg... Song mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Kịch bản khan hiếm gạo của năm 2008 đã không lặp lại.

Lại kịch bản cũ

Chiều ngày 1.12, bà Nguyễn Thị Út, ngụ đường Thủ Khoa Huân - TP.Tân An (Long An) đi thăm bệnh từ TP.Hồ Chí Minh vừa về tới nhà đã giục con cháu đi mua gạo để dành. Bà cho biết, mình đã tận mắt chứng kiến ở TP.Hồ Chí Minh người dân đổ xô đi mua gạo vì họ cho rằng VN sắp hết gạo ăn.

Tin đồn khan hiếm gạo từ TP.Hồ Chí Minh về đến Long An, Tiền Giang, Bến Tre vào cuối buổi chiều. Một số người nhẹ dạ, cả tin đã đến các đại lý mua gạo về dự trữ, nhưng đã không tạo nên cơn sốt, một phần vì đã chiều tối, nhưng nguyên nhân chính không phải là vấn đề thời gian.

Kịch bản khan hiếm gạo vào tháng 4.2008 có vẻ như đang bị lặp lại. Lần ấy, tin đồn “khan hiếm gạo” cũng xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh rồi lan nhanh về miền Tây. Long An, Tiền Giang là những tỉnh bị “lây sốt” nhanh nhất do nằm cạnh TP.Hồ Chí Minh.

Vào các ngày 26 và 27.4.2008, giá gạo tại TP.Tân An có lúc tăng gần gấp đôi so với bình thường, lên đến 15 ngàn đồng/kg. Cơn sốt giả tạo ấy đã giúp cho một số người kinh doanh gạo ở Long An kiếm hàng trăm triệu đồng chỉ trong mấy ngày. Khi cơn sốt đi qua, nhiều người dân Long An đã “ôm cục tức” trước các bao gạo mua về nhà dự trữ với giá trên trời.

Gạo trữ đầy kho của Cty lương thực Tiền Giang.

Người dân đã ý thức hơn


Tối 1.12, Đài Truyền hình Tiền Giang và một số đài trong vùng ĐBSCL đã kịp thời có thông tin, phóng sự liên quan tới tình hình gạo của khu vực và đất nước.

Các số liệu thuyết phục đã được công bố: Sản lượng lúa nước ta trong năm 2009 đạt kỷ lục, trên 39 triệu tấn, cao hơn năm rồi khoảng 300 ngàn tấn; trong hệ thống các công ty lương thực đang trữ hơn 2 triệu tấn, sẵn sàng cung cấp cho bất cứ nơi nào cần; lượng lúa trong dân cũng còn khá lớn, trong khi vụ đông xuân sớm đã bắt đầu gieo sạ; riêng 2 tỉnh Long An và Tiền Giang có lượng gạo dự trữ trên 200 ngàn tấn...

Các công ty lương thực đã vào cuộc rất nhanh. Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương Long An – cho biết, sở đã làm việc với Cty lương thực Long An mở cửa tất cả các kho chứa gạo bán cho dân số lượng không hạn chế. Thậm chí nếu cần sẽ mở hàng loạt các điểm bán lẻ ở những điểm nóng.

Nhờ vậy, dù sáng 2.12 lượng người đi mua và số lượng gạo mua tăng cao, nhưng không nơi nào hụt hàng. Các đại lý cũng tinh ý, không nơi nào dám “ghim” hàng với số lượng lớn để chờ tăng giá hưởng lợi như đã từng làm. Tuy thế, giá gạo các loại trong ngày 2 và 3.12 cũng tăng chút ít, khoảng 200 – 500đ/kg so với mấy ngày trước. Sang đến ngày 4.12, mọi việc hầu như đã trở lại bình thường.

Vậy là cơn sốt gạo giả tạo đã không thể bùng phát nhờ có sự chuẩn bị của những cơ quan có trách nhiệm và ý thức của người dân.

Long An:  Lập đường dây nóng về thị trường gạo

Sở Công Thương tỉnh vừa thông báo thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin diễn biến tình hình thị trường lương thực trong tỉnh. Đường dây nóng giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện việc kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt, tạo ra sự khan hiếm giả tạo về lương thực, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân để đầu cơ, trục lợi bất chính.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường