Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo gây sốt: thật hay ảo?
11 | 12 | 2009
Từ khi chính phủ Philipines công bố mở thầu nhập gạo với số lượng ngay trong những tháng cuối năm 2009 đã tạo nên cơn sốt gạo trên thị trường thế giới. Trong ba đợt mở thầu gần đây nhất (một đợt vào đầu tháng 11 và hai đợt đầu tháng 12), giá gạo mà các nước trúng thầu cung cấp cho Philipines lên tới 625 USD-692 USD/tấn loại 25%.

Ngày 15.12 tới đây, nước này tiếp tục mở thầu thêm 600.000 tấn, nhiều chuyên giá dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng lên dự kiến trên 700 USD/tấn. Cùng với Philipines, do mất mùa từ ảnh hưởng thiên tai, chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra thông tin nhập 3 triệu tấn gạo trong năm 2010. Tuy sau này thông tin này được đính chính lại là không nhập nữa, nhưng ngay sau đó lại quyết định xoá bỏ thuế nhập khẩu gạo càng khiến thị trường gạo nóng sốt bất thường.

Giá chỉ sốt ở Philipnes

Việc giá gạo tăng khá mạnh ở những hợp đồng giao dịch tại thị trường Philipines mấy tuần vừa qua đã rõ, nhưng đi sâu vào tìm hiểu giá chung của thế giới thì không hề thấy có biến động lớn như vậy. Trong tháng 7 - 8. 2009, giá gạo Việt Nam được khách hàng nước ngoài giao dịch thương mại thành công 420-430 USD/tấn loại 5%, 350 USD/tấn loại 25% tấm. Trong tháng 9 - 11,  tăng đột ngột lên 510-530 USD/tấn gạo 5%. Tuy nhiên, mức giá 520-530 USD/tấn đứng im từ đầu tháng 11 đến nay mà không hề có biến động theo giá trúng thầu diện hợp đồng tập trung tại Philipines.

Ông Phạm Văn Bảy, giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang còn cho hay, không chỉ đứng giá, các giao dịch thương mại cũng im hơi lặng tiếng suốt một tháng trở lại đây. “Khách hàng nước ngoài không hỏi mua gạo, chẳng doanh nghiệp trong nước nào bán được gạo lúc này”- ông Bảy nói thêm. Ông Lê Tuấn, giám đốc công ty Imex Cửu Long - Vĩnh Long cho biết thêm, dù tồn kho vài chục ngàn tấn, doanh nghiệp muốn bán gạo nhưng không thể tìm ra đối tác mua.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trầm lắng giao dịch gạo ở thị trường thương mại. Một chuyên gia trong ngành gạo phân tích, thông thường những tháng cuối năm nhu cầu mua gạo thế giới chỉ còn lại thị trường Châu Phi. Nhưng do khủng hoảng kinh tế, các nước này không có tiền mua, hơn nữa với mặt bằng giá trúng thầu tại Philipines quá cao như vậy nên họ còn canh chừng, chưa dám mạo hiểm giao dịch. Còn theo ông Phạm Văn Bảy, nếu trường hợp có khách hàng hỏi mua gạo lúc này thì cũng rất khó định ra mức giá phù hợp. Bởi lấy giá trúng thầu tại thị trường Philipines thì quá cao, còn giá theo tháng 11 (510-530 USD/tấn gạo 5%, 450 USD/tấn gạo 25%) thì so với giá nguyên liệu hiện nay, doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Chính vì những lý do trên nên lúc này, theo ông Bảy, cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu còn canh chừng thị trường, chưa quyết định giao dịch.

Gạo trong nước dựa hơi tăng giá

Từ đầu tháng 11 đến nay, thị trường gạo bán lẻ nội địa cũng tăng khá mạnh, mức tăng giao động từ 1.000-3.000đ/kg tùy loại. Tuy nhiên, nếu so sánh chủng loại gạo tiêu thụ tại thị trường trong nước với gạo xuất khẩu thì rõ ràng có sự khác nhau. Hiện nay gạo mà doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu, giá lên tới trên 600 USD/tấn, tương đương trên 11.000đ/kg là gạo thường - hay còn gọi là nở xốp, cơm cứng, không thơm. Loại gạo này chỉ sử dụng làm bún, bánh tráng, thậm chí có năm thừa gạo như 2008 doanh nghiệp còn mua làm thức ăn gia súc. Còn gạo mà đa số gia đình thành thị đang ăn là gạo thơm.

Thị trường gạo thơm được lấy từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu một phần ở Camphuchia như giống lúa Khaodacmali (hay còn gọi là thơm thái, hương lài). Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), kết thúc tháng 11.2009, các tỉnh ĐBSCL thu hoạch xong diện tích lúa thu đông, sản lượng khoảng 2 triệu tấn. Dự kiến trong tháng 12 và tháng 1.2010 tiếp sẽ thu hoạch xong diện tích lúa mùa, sản lượng khoảng 900.000 tấn. Lúa thu đông và lúa mùa trồng ở những vùng sản xuất 2 vụ/năm như Cần Đước, Cần Giuộc-Long An, Gò Công-Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Do thời gian sinh trưởng dài, khoảng 6 tháng nên giống lúa hai vụ này chủ yếu thuộc dòng thơm, dùng tiêu thụ trong nước và làm giống là chính. Tương tự, thời điểm này lúa mùa từ Camphuchia do trùng vụ gieo sạ với trong nước nên thương lái cũng đang nhập về khá nhiều đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Như vậy, mặc dù hai vụ lúa chính là đông xuất và hè thu đã thu hoạch xong, lúa trong dân hầu như không còn nhiều nhưng việc được tiếp ứng thêm khoảng 1,8 triệu tấn gạo lúa vụ mùa và thu đông nên lượng gạo thơm trên thị trường hiện còn khá dồi dào. Vấn đề là đối tượng nào đang nắm giữ và quyết định giá bán nguồn gạo này? Hiệp hội lương thực Việt Nam công bố doanh nghiệp thành viên còn tồn kho trên dưới 1,4 triệu tấn gạo, nhưng tìm hiểu của SGTT, đa phần lượng gạo này thuộc dòng chất lượng thấp, phục vụ xuất khẩu chứ không phải gạo thơm đang tiêu thụ nhiều trên thị trường.

Ông Lê Tuấn, giám đốc công ty Imex Cửu Long cũng thừa nhận, dù tồn kho vài chục ngàn tấn gạo nhưng gạo thơm chí vỏn vẹn 1.000 tấn, dùng xuất khẩu là chính chứ không phải tiêu thụ nội địa. Anh Minh, chủ vựa gạo ở chợ Bắc Ninh, Thủ Đức cũng nói, anh lấy gạo thơm từ chợ gạo Cái Bè, Cai Lậy và Gò Công ở Tiền Giang về bán, chưa bao giờ biết đến nguồn từ doanh nghiệp xuất khẩu.

Từ những phân tích trên, ông Huỳnh Tiến Dũng, giám đốc kinh doanh công ty TNHH Minh Cát Tấn, đơn vị cung cấp thương thương hiệu gạo kim kê nổi tiếng trên thị trường cho rằng, giá gạo thơm trong nước bị đẩy lên quá cao là do giới kinh doanh đầu cơ, dựa hơi theo giá xuất khẩu chứ hoàn toàn không phải thiếu.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường