Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bỏ ngỏ kiểm dịch rau quả nhập khẩu
15 | 12 | 2009
Mỗi ngày đang có hàng trăm tấn rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Khẩu (Lào Cai)… Từ lâu, chất lượng các loại rau quả nhập khẩu, đặc biệt là về dư lượng các thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản đã trở thành mối hồ nghi đối với nhiều người tiêu dùng và trách nhiệm kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh của rau củ quả đã được đặt ra cho các cơ quan chức. Thế nhưng, thực tế là các cơ quan chức năng lại đang buông lỏng quản lý, đá bóng trách nhiệm cho nhau, tạo kẽ hở để rau củ không an toàn tràn vào nội địa.
  • Mỗi ngày, gần 400 tấn rau quả qua biên giới 

Từ sáng đến chiều, không lúc nào cửa khẩu Lào Cai vắng bóng xe tải chở rau, củ, quả từ bên Trung Quốc đổ về bãi tập kết nông sản. Tại bộ phận làm thủ tục hải quan đặt cạnh cửa khẩu, ngày nào cũng có doanh nghiệp, tư thương đến làm thủ tục nhập khẩu rau quả.

Các loại hoa quả Trung Quốc tràn vào cửa khẩu Lào Cai nhưng không cơ quan nào kiểm soát dư lượng các thuốc BVTV. Ảnh: VĂN PHÚC

Trần Hùng, một chủ buôn khoai tây thương phẩm, ở tận Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) lên đánh hàng về Hà Nội và đưa vào tận TPHCM, sở hữu 9 - 10 xe trọng tải lớn, cho biết, Lào Cai là cửa ngõ của khoai tây, rau cải bắp, cà chua Trung Quốc tràn vào khắp các thị trường nội địa. Ở đây hiện có khoảng 40 chủ buôn nông sản quy mô lớn. Sở dĩ rau quả của Trung Quốc tràn về nhiều là do thời tiết ở nước họ khá thuận lợi, nông sản được trồng tập trung, quy mô hàng hóa, quanh năm, ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nên giá khá rẻ. Trong khi Việt Nam lại trồng rau quả theo mùa vụ. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vũ Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai - khẳng định, trung bình mỗi ngày đang có khoảng 380 - 400 tấn rau, củ, quả nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai. 

Còn theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 thuộc Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm đến tháng 12-2009, tại các cửa khẩu Hà Khẩu, ga Lào Cai, Kim Thành, Mường Khương, Bản Vược, Quang Kim… đã có khoảng 6.000 lô hàng nông sản với tổng trọng lượng 140.000 tấn nhập vào Việt Nam. Chủng loại hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là khoai tây, khoai sọ, cam, quýt, mận tươi, tỏi củ, rau cải bắp, hạt hướng dương, hạt bí khô… 

  • Điệp khúc “Chúng tôi không có chức năng kiểm dịch” 

Rau quả ngoại đang tràn về nhiều như vậy nhưng việc kiểm soát chất lượng thì sao? Để tìm hiểu rõ, chúng tôi tìm đến Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng 8 - thẳng thắn nói: “Chúng tôi chỉ có chức năng kiểm dịch côn trùng gây hại trên rau quả ngoại nhập nội mà thôi. Chẳng hạn, rau củ quả có loại sâu bọ nguy hiểm nào mới xuất hiện chúng tôi cũng biết, và yêu cầu ngăn chặn, khử trùng ngay. Còn trong rau, quả có dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản ra sao… thì không thuộc chức năng của chúng tôi vì ở trên không có văn bản giao chúng tôi phải làm, nên chúng tôi cũng chẳng dám làm, bởi làm không đúng chức năng, doanh nghiệp họ phản ứng ngay”. Khi được hỏi cơ quan nào chịu trách nhiệm, ông Tuân cho rằng đây là phần việc của các trạm kiểm dịch y tế.

Chúng tôi lại tìm sang Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, song ông Điền, Giám đốc trung tâm - lại nói rằng: “Trước đây thì chúng tôi có thực hiện hoạt động này, và cũng chỉ thực hiện do ở trên giao bằng miệng thôi chứ không có văn bản nào, nhưng một năm trở lại đây thì chúng tôi đã không làm nữa mà giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai và Chi cục Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai”.

Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai khẳng định không có chức năng kiểm soát rau quả nhập khẩu mà việc này thuộc trách nhiệm của Chi cục Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai. Đến lượt bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai - giãi bày rằng chi cục vừa mới thành lập được hơn 2 tháng và trong quyết định thành lập cũng không có chức năng kiểm soát rau quả nhập khẩu, chỉ kiểm soát rau quả bày bán ở thị trường nội địa, trên địa bàn tỉnh, ở khâu đã được chế biến thành thực phẩm trên bàn ăn. 

Rất nhiều người dân phàn nàn rằng ở trong nước, chỉ cần rộ lên một vùng trồng rau xanh không an toàn là dư luận đều lo sợ và chỉ trích. Trong khi đối với rau quả nhập ngoại, chúng ta không thể biết rõ nguồn gốc ra sao thì việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng lại bị thả nổi như hiện nay. Mặc dù mới đây, Bộ NN-PTNT cũng đã thừa nhận đã phát hiện được một số mẫu cà chua nhập khẩu có chứa chất alatoxin rất độc hại. Từ năm 2008, khi câu chuyện mất vệ sinh an toàn trong rau quả nhập khẩu được đặt ra, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) và Bộ Y tế cũng đã “hứa” sẽ đầu tư, thiết lập các mạng lưới, trang thiết bị kiểm tra nhanh tại cửa khẩu để siết chặt việc kiểm soát chất lượng nông sản, nhưng hiện nay rõ ràng là vẫn buông lỏng kiểm dịch, khi nông sản ngoại cứ ồ ạt tràn vào nội địa 



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường