Doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu gạo số lượng lớn với Philippines. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, cái khó của cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp trong lúc này là vừa giữ vững giá xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực.
Thị trường Philippines đang sôi động
Tính cả lần trúng thầu ngày 15-12, tổng cộng doanh nghiệp Việt Nam trúng trên 1,3 tấn gạo xuất sang Philippines. Giá trúng thầu lần gần nhất đạt 665 USD/tấn, được coi là cao bởi trước đó có lúc doanh nghiệp chỉ xuất khẩu với mức giá dưới 400 USD/tấn gạo 25% tấm. Theo quy chế, 20% lượng gạo trúng thầu sẽ dành cho doanh nghiệp đại diện bỏ thầu là Tổng Công ty Lương thực miền Nam, 80% chia lại cho doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Thị trường lúa gạo thế giới thời gian vừa qua chỉ thực sự sôi động ở Philippines, còn các thị trường khác khá trầm lắng, nhất là đối với thị trường châu Phi. Dù được coi là nước nhập khẩu gạo lớn nhất nhưng Philippines cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tỉ trọng nhập khẩu gạo thế giới.
Các chuyên gia lúa gạo nhận định sự sôi động của thị trường phụ thuộc vào Ấn Độ. Nếu nước này nhập khẩu thì chắc chắn thị trường sẽ sôi động hẳn lên. Trước đây, Ấn Độ công bố sẽ nhập khẩu 3 triệu tấn và đã cho đấu thầu 30.000 tấn nhưng hiện đã hủy. Dự báo phải đến quý II-2010 nước này mới có nhu cầu thực sự và sẽ tham gia vào thị trường nhập khẩu bởi hiện lượng tồn kho của họ còn nhiều.
Các nhà phân tích thị trường gạo trên thế giới đều cho rằng gạo là mặt hàng rất khó dự đoán vì ngoài các yếu tố sản xuất (lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thiên tai...), cung cầu (lệ thuộc vào tình hình phát triển, khủng hoảng, chiến tranh, quan hệ song phương, đa phương...) thì gạo còn là mặt hàng mang tính chính trị cao. Chưa kể việc Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi các nước giàu hãy hành động vì một tỉ người trên thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu đói khiến thị trường gạo ngày càng chứa đựng nhiều ẩn số khó dự đoán.
Trong nước không thiếu gạo
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, do nhu cầu lớn của thế giới cùng với tác động của thiên tai nên bức tranh xuất khẩu gạo trong năm 2010 sẽ rất sáng sủa. Tuy vậy, thông tin xuất khẩu gạo trên thế giới đang bị nhiễu khi một số nước nhập khẩu nhiều như Philippines, Ấn Độ... từng thời điểm lại công bố số liệu nhập khẩu khác nhau. Mới đây, Bộ Công thương Ấn Độ công bố chưa nhập khẩu gạo lúc này mà sẽ xem xét tình hình. Trung tâm Lương thực quốc gia của Philippines cũng thông báo sẽ xem xét lại giá cả các gói thầu trước và sau đấu thầu.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết giá gạo thế giới tăng tất yếu kéo giá trong nước hình thành một mặt bằng mới nhưng “tăng cao, thậm chí còn sốt gạo” như vừa qua là điều phi lý. Hiện gạo trong nước không hề thiếu khi lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp còn 1,4 triệu tấn, chưa kể sẽ tăng cường mua trong vụ đông xuân sắp tới. Tuy nhiên, vị phó chủ tịch VFA cũng thừa nhận giá trong nước tăng là do một số doanh nghiệp được chia xuất khẩu tại thị trường Philippines nhưng không có kho chứa đã đi thu gom gây nhiễu thị trường.
Đầu tháng 12-2009, nhằm bình ổn giá gạo tại thị trường thành phố, Công ty Lương thực TP.HCM (FOCOSA) đã quyết định giảm giá đồng loạt một số mặt hàng gạo tại 40 cửa hàng thương hiệu FoocoMart của công ty tại TP.HCM. Tổng Công ty Lương thực miền Nam, miền Bắc cũng đưa ra lời hứa sẽ bình ổn giá gạo vào dịp cuối năm.
Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm lại tình hình sản xuất lúa gạo, nhu cầu lương thực trong nước từ nay đến hết năm 2009. Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm nhu cầu tiêu dùng lương thực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm gạo, nhất là trong các dịp lễ, tết.
15-12, trúng thầu thêm 600.000 tấn gạo xuất sang Philippines Tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), doanh nghiệp Việt Nam có khả năng trúng hết 600.000 tấn gạo 25% tấm cung cấp cho Philippines trong gói thầu được chính phủ nước này mở vào sáng qua (15-12). Số gạo trúng thầu sẽ được giao cho đối tác từ tháng 3 đến tháng 6-2010. Lần tham gia thầu này, Tổng Công ty Lương thực miền Nam chỉ bỏ một gói 600.000 tấn với mức giá 665 USD/tấn (giá CIF bao gồm cả chi phí vận chuyển và chậm trả). Quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam là phải trúng hết gói thầu này để bảo đảm đầu ra cho mùa vụ đông xuân sẽ thu hoạch trong thời gian tới. Tham gia bỏ thầu còn có doanh nghiệp của Thái Lan, Đức, Pháp, Hàn Quốc nhưng đều không trúng do giá bỏ thầu trên 700 USD/tấn. |