Theo ông Thanh, trong số hàng đó có táo xuất xứ từ Trung Quốc được cho vào các bao bì nhỏ và ghi là sản xuất tại Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm và số hàng này bị xem như hàng giả (giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa). Ông Thanh cũng cho biết ngoài số táo nói trên thì số hàng còn lại như me, xí muội... chưa vào bao bì nên chưa bị xem là hàng giả mạo. Nếu chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ đối với số me, xí muội này thì xem như số hàng này là hàng nhập lậu và sẽ bị xử phạt tiền, đồng thời bị tịch thu, buộc tiêu hủy.
Theo Nghị định 06 (năm 2008) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì hàng giả bao gồm nhiều loại, trong đó có loại hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Cụ thể là giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác, giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa.
Điều 24 Nghị định 06 cũng quy định hành vi kinh doanh hàng giả sẽ bị xử phạt tiền từ 300.000 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, do lô hàng của Công ty Kim Lam là thực phẩm nên mức phạt có thể tăng gấp đôi. Ngoài ra, chủ hàng có thể bị buộc phải tiêu hủy hàng hóa nếu chất lượng không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại đến sức khỏe con người. Nếu số thực phẩm này vẫn bảo đảm an toàn sử dụng thì chủ hàng phải loại bỏ yếu tố giả mạo trên bao bì.