Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường rau, củ, quả: Bỏ ngỏ khâu quản lý
23 | 12 | 2009
Hiện nay có khá nhiều loại rau, củ, quả ở TP Hồ Chí Minh được bày bán tràn lan nhưng chưa qua kiểm tra, giám sát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Vì thế nhiều loại, nhất là các loại trái cây, đã được "phù phép" để khoác lên mình những thương hiệu nổi tiếng như nho Mỹ, quýt Thái Lan, táo Ôxtrâylia… Điều này đã đặt ra câu hỏi đối với các ngành chức năng của TP, phải chăng công tác quản lý chất lượng rau, củ, quả còn bỏ ngỏ?

Đánh lừa người mua

Cuối năm, các mặt hàng trái cây được bày bán khá nhiều loại, trong đó có những loại theo lời người bán hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật, Thái Lan, Mỹ... không phải là hiếm. Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chúng tôi ghé vào một sạp bán trái cây được bày bán khá nhiều loại bắt mắt. Bà chủ đon đả mời chào và giới thiệu rất nhiều loại trái cây có nguồn là nhập từ nước ngoài, giá cả rất mềm, mua nhiều còn được giảm giá, bảo đảm hàng xịn 100%! Biết chúng tôi có nhu cầu, bà liền giới thiệu: "Mua đi em, ở đây chị có bán táo Washington Apple (táo Mỹ) giá 40.000 đồng/kg, nho Mỹ giá 35.000 đồng/kg... bảo đảm hàng chính hiệu". Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ về lời giới thiệu sản phẩm của mình, bà liền cầm một trái táo phân bua: Đây nhé, táo của chị là táo có mác Washington Apple hẳn hoi, không như mấy chỗ khác người ta bán táo Trung Quốc nhưng lại dán nhãn nước này nước nọ để gạt khách. Rồi bà liền gí ngay vào mặt chúng tôi dòng chữ được dán trên sản phẩm: "Made in Washington Apple". Tuy nhiên, theo đại diện của một nhà cung cấp táo nhãn hiệu Washington Apple, hiện nay táo Mỹ thường bị cạnh tranh với táo "giả Mỹ" của Trung Quốc, đặc biệt là tình trạng lạm dụng nhãn Washington Apple trên táo Trung Quốc đã gây khó khăn trong việc cạnh tranh của loại táo này. Thông thường táo Mỹ có nhiều loại và kích cỡ, nhưng chủ yếu khác với táo Trung Quốc ở đặc điểm trái táo dài, thân chia thành múi, có nhiều chủng loại phân biệt theo màu như đỏ, xanh, tím.

Không riêng gì chợ Hoàng Hoa Thám mà nhiều chợ khác như: Nguyễn Tri Phương (quận 10),  Tân Mỹ (quận 7) Võ Thành Trang (quận Tân Bình)... các loại trái cây cũng được "phù phép" thành hàng "xịn" nhập từ Nhật, Mỹ, Thái Lan… Bởi vậy, chúng tôi có tìm mỏi mắt cũng không thấy quầy sạp nào bán các sản phẩm rau, củ, quả được dán nhãn mác Trung Quốc. Thế nhưng theo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, hằng ngày bình quân lượng trái cây, củ, quả về chợ khoảng 3.000 tấn, trong đó chiếm khoảng gần 50% là trái cây, củ, quả được nhập từ Trung Quốc. Vậy mà khi về đến các chợ bán lẻ, các sản phẩm của Trung Quốc lại rất hiếm hoi (!?).

Vẫn chưa có "thuốc" trị

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số chợ thì hàng hóa khi đưa về, kể cả nội lẫn ngoại nhập, ban quản lý chợ không có một sự kiểm tra nào.  Chỉ có một đội quản lý nông sản thực phẩm của TP đến kiểm tra hằng tháng nhưng nhiều lúc cũng không theo định kỳ. Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường TP - cơ quan có chức năng, thẩm quyền chuyên về kiểm tra nhãn mác hàng hóa cho biết, quản lý thị trường không thể bao quát hết tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Chỉ khi nào những đơn vị kinh doanh có dấu hiệu đáng nghi ngờ thì quản lý thị trường mới theo dõi để phát hiện những vi phạm, sai trái của các đối tượng đó.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP, lượng rau, củ, quả được trồng trên địa bàn TP chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Mỗi ngày, TP phải nhập khoảng 1,5 triệu tấn rau, củ, quả, nhưng chỉ có khoảng 20% đến 30% số rau, củ, quả xác định được nguồn gốc. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh "phù phép" những loại  rau, củ, quả  mà còn chất lượng ATVSTP cũng trở thành mối hiểm họa đối với người tiêu dùng. Mới đây, kết quả giám sát ở 5.000 mẫu rau, củ, quả cho thấy, dư lượng thuốc trừ sâu còn hơn 4%. Lý giải về điều này, Chi cục Bảo vệ thực vật TP cho rằng, theo quy định, một lô hàng nghi ngờ sau khi lấy mẫu để có kết luận thì phải mất từ 3 tới 15 ngày. Hàng hóa trong giai đoạn kiểm tra không được giữ lại, nên khi có kết quả dương tính với danh mục thuốc cấm, hoa quả đã bán hết ra thị trường. Đến lúc này, việc thu hồi sản phẩm để tiêu hủy sẽ rất khó khăn.

Rau, củ, quả là những sản phẩm được tiêu thụ với số lượng lớn mỗi ngày, nếu không có sự kiểm soát nguồn gốc, chất lượng từ các cơ quan chức năng, thì hằng ngày, những chủ kinh doanh vẫn thu lãi, còn người tiêu thụ thì mất tiền cho những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Thế nhưng, trước cái vòng luẩn quẩn này, các ngành chức năng TP vẫn chưa tìm đâu ra lời giải nên người tiêu dùng vẫn tiếp tục "sống chung" với rau, củ, quả dỏm, độc hại mà không hề hay biết.



Theo Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường