Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giật mình rau không rõ nguồn gốc
21 | 12 | 2009
Nhằm siết chặt công tác quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn (RAT) trên địa bàn TP Hà Nội, bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất RAT, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội vừa đi kiểm tra đột xuất việc kinh doanh RAT tại 3 cửa hàng, siêu thị trên địa bàn. Tại các điểm kiểm tra, ai cũng giật mình khi thấy các siêu thị treo biển bán RAT nhưng lại bán các loại rau, củ không rõ nguồn gốc.

RAT không rõ nguồn gốc

Treo biển bán RAT khá to và đẹp mắt, nhưng khi Đoàn kiểm tra liên ngành Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục ATVSTP Hà Nội đến kiểm tra tại quầy bán RAT của Siêu thị Intimex (ở 131 Hào Nam, phường Hào Nam, quận Đống Đa) thì hầu hết các sản phẩm rau, củ ở đây gồm cải xanh, cải ngọt, đậu cove, rau muống, bắp cải, cà chua, ớt, cải thảo, khoai sọ… lại đeo mác "rau hữu cơ" được sản xuất và phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên (Hà Nội). Khi đoàn kiểm tra yêu cầu lãnh đạo siêu thị này xuất trình giấy tờ liên quan thì lãnh đạo siêu thị chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT của khu sản xuất RAT phường Cự Khối (do Sở NN&PTNT TP Hà Nội cấp), trong khi đó trên các sản phẩm bày bán tại đây lại không có tem; những giấy tờ khác liên quan đến hoạt động sản xuất và sơ chế của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên, siêu thị không xuất

trình được.

Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, tổng diện tích trồng rau của TP là gần 12.000ha, trong đó chỉ có 2.105ha trồng RAT. Đến nay, Chi cục mới cấp được 45 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT cho các hộ, HTX sản xuất RAT với tổng diện tích hơn 260ha; 1 giấy chứng nhận sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và 13 giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế RAT.

Tại cửa hàng Tiện Lợi (TienLoi mark) ở 17, T9 khu Trung Hòa - Nhân Chính, đoàn kiểm tra khá bất ngờ khi quầy kinh doanh rau ở đây treo biển RAT nhưng lại bán rau không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên sản phẩm. Về hình thức, hơn 60 mặt hàng RAT được bày bán tại cửa hàng đều không bảo đảm các quy định về bao bì, nhãn mác và niêm phong. Chỉ có 2 mặt hàng giá đỗ và đậu cove là được đóng gói bằng bao bì của HTX sản xuất và tiêu thụ RAT Minh Hiệp (xã Vân Nội, huyện Đông Anh), nhưng cũng chưa có nhãn mác và tem niêm phong theo quy định.

Trong 3 cửa hàng, siêu thị được kiểm tra vào sáng 17-12, chỉ có cửa hàng của Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ nông sản an toàn Hà An ở 17, T9 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 23 mặt hàng RAT được bày bán tại cửa hàng gồm cải chíp, cải bắp, su hào, xà lách… đều được dán mác và có tem niêm phong, tuy nhiên vẫn còn nhiều loại rau không đóng trong bao bì như quy định.

Ông Lê Xuân Trường, Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành khẳng định, việc kinh doanh RAT ở Siêu thị Intimex và cửa hàng Tiện Lợi có nhiều sai phạm như: Rau, củ có bao gói, có tem nhưng tất cả đều chưa niêm phong nên không xác định được nguồn gốc, xuất xứ và không ai dám khẳng định không có việc trà trộn rau không an toàn vào bán ở đây. Cũng theo anh Trường, không chỉ có các cơ sở kinh doanh RAT trên vi phạm quy trình sản xuất và kinh doanh mà hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh RAT khác ngay cả những siêu thị lớn, có thương hiệu cũng vi phạm. Đoàn kiểm tra đã lấy 11 mẫu rau, củ tại các điểm kiểm tra để gửi Cục BVTV kiểm định chất lượng.

Siết chặt công tác quản lý RAT

Nhằm từng bước siết chặt công tác quản lý RAT từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, ngày 24-9-2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 104/2009/QĐ- UBND quy định quản lý sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn TP. Đây là cây "gậy" pháp lý để Chi cục BVTV kiểm tra việc sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT ở các địa phương. Tuy nhiên, từ khi có quyết định đến nay, Chi cục mới chỉ mời được các cơ sở đủ điều kiện sản xuất và sơ chế RAT lên triển khai và hướng dẫn thực hiện quyết định, còn các cơ sở kinh doanh do không thuộc chức năng, thẩm quyền nên Chi cục chưa phổ biến được quyết định này nên việc quản lý chất lượng RAT ở các siêu thị vẫn còn buông lỏng. Thời gian qua, ngành công thương thành phố cũng đã tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh RAT nhưng chủ yếu kiểm tra về thời hạn hoạt động của cơ sở theo giấy phép mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng RAT ở các siêu thị. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội thì từ trước đến nay, chưa có đợt nào kiểm tra về chất lượng RAT trên thị trường. Vì vậy, tình trạng trà trộn rau không có nguồn gốc xuất xứ vào RAT ở siêu thị là khó tránh khỏi.

Lãnh đạo Chi cục BVTV cho biết, ngay sau đợt kiểm tra này, cùng với việc nhắc nhở các cửa hàng, siêu thị phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng mời các tổ chức, cá nhân được giấy chứng nhận kinh doanh RAT lên triển khai quyết định và hướng dẫn quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn toàn TP. Năm 2010 tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý chất lượng RAT từ khâu sản xuất - sơ chế - kinh doanh nhằm từng bước đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.



Theo Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường