|
Bánh trung thu bị mốc. Ảnh : PV |
Do đặc thù sản xuất bánh Trung Thu đem lại lợi nhuận rất cao (lãi từ 20- 30%) nên trên thị trường nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và chế biến không đạt tiêu chuẩn nhất là ở các vùng quê, vùng sâu vùng xa tung ra thị trường bánh kém chất lượng ảnh hưởng sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều cơ sở có tên tuổi sản xuất trong mỗi mùa này từ 400 đến 600 tấn; hàng trăm ngàn các cơ sở nhỏ thủ công cũng sản xuất vài ba tạ đến vài tấn. Chính vì vậy các nguy cơ ô nhiễm hoá chất, vi sinh vật, các yếu tố vật lý rất cao.
Tình trạng sản xuất bánh trung thu giả đã xuất hiện ở một số địa phương, giả cả về nhãn mác và chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp...
Người tiêu dùng cần lựa chọn mua bánh trung thu đảm bảo chất lượng ATVSTP như: mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị rơi. Đặc biệt nên mua bánh tại các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác để biết rõ ngày sản xuất cũng như thời hạn sử dụng. |
Một số cơ sở bánh trung thu chỉ ghi hạn dùng mà không ghi ngày sản xuất nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ từ 8- 10 ngày, với bánh nướng chỉ từ 20- 30 ngày, song nhãn mác của nhiều sản phẩm vẫn còn chưa đảm bảo đúng qui định. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện bánh trung thu của nước ngoài nên người tiêu dùng cần cảnh giác với các yếu tố độc hại có thể có như: chất bảo quản độc, phẩm màu độc và sự biến chất hư hỏng ở bên trong.
Theo kết quả kiểm tra của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm trong những năm qua cho thấy: Phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều đảm bảo được qui định sản xuất an toàn cho các loại bánh.
Song một số cơ sở nhỏ, thủ công cố ý hoặc vô ý đã sử dụng các phẩm mầu độc, các chất bảo quản chống mốc độc hại, các nguyên liệu không bảo đảm, cơ sở vật chất chật hẹp, nhân viên không được khám sức khoẻ, sản xuất bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch...
Nhằm vào thị hiếu của trẻ em nên nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh hình các con vật, nhiều màu sắc do sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế gây độc hại cho người tiêu dùng.
Nguyên liệu làm nhân bánh thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xường... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi, phát triển. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh về đường ruột như: đau bụng, tiêu chảy cấp...
Để có một Tết Trung Thu vui vẻ, an toàn cho mọi gia đình, đặc biệt là trẻ em, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra liên ngành để ngăn chặn các cơ sở sản xuất bánh trung thu giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn.
Theo Thu Phương
TTXVN
Những con số đáng ngại về ngộ độc thực phẩm Ngày 22/7, TS Lâm Quốc Hùng, Phó phòng Chỉ đạo tuyến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do vi sinh và chủ yếu là do 4 vi khuẩn chính gồm: Salmonella, Streptoccocus, E.coli và Staphylococcus. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 62,3% số vụ ngộ độc không xác định được nguyên nhân vì không thu lại được mẫu thực phẩm do đã bị tiêu hủy hay do người bệnh ăn thức ăn đường phố và người bị ngộ độc giấu thông tin... Hiện có 40 tỉnh, thành phố trong nước xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm thường xuyên, trong đó cao nhất là Đồng bằng sông Cửu long (76,9%) và thấp nhất là Tây Nguyên (40%). Đối tượng mắc ngộ độc thực phẩm ở khu vực miền Đông Nam Bộ cao nhất (chiếm 51,91% số vụ ngộ độc thực phẩm toàn quốc) và thấp nhất là Tây Nguyên (chiếm 3,75% tổng ca mắc ngộ độc). Theo điều tra và nghiên cứu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: tỷ lệ ngộ độc thực phẩm từ gia đình chiếm 55,7%, từ bếp ăn tập thể chiếm 16%, đám cưới, giỗ chiếm 16% và thức ăn đường phố chiếm 6,6%. |