Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngăn chặn đà giảm giá lúa gạo:Hỗ trợ để nông dân không bán tháo lúa
16 | 04 | 2010
Mấy ngày qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã giảm nhẹ nhưng nhiều nông dân vẫn phải bán ra để có tiền bù vào chi phí sản xuất. So với thời điểm tháng 12/2009 thì giá lúa hiện giảm khoảng 20,9%. Liệu tình hình này sẽ kéo dài bao lâu và làm thế nào để giúp đỡ người nông dân trong hoàn cảnh này? Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Hảo, Chuyên gia phân tích lúa gạo, Trung tâm thông tin PTNNNT (AGROINFO).
Ông Đỗ Văn Hảo cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá lúa trên thị trường nội địa có xu hướng giảm, hiện giá lúa tại ĐBSCL dao động ở mức 4.000 - 4.500 đồng/kg. Theo Báo cáo thị trường lúa gạo Quý 1/2010 của AGROINFO, bình quân giá lúa tháng 1/2010 tại Cần Thơ là 5.510 đồng/kg, giảm 1,92% so với tháng 12/2009. Đến tháng 2/2010, giá lúa có nhích lên đôi chút nhưng vẫn ở mức thấp, bình quân khoảng 5.600 đồng/kg. Đặc biệt, khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ của vụ Đông Xuân (3/2010), bình quân giá lúa đã giảm đến 20,9% so với tháng 12/2009.

Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến giá lúa gạo giảm mạnh như vậy?

Ông Đỗ Văn Hảo: Có nhiều nguyên nhân khiến giá lúa gạo giảm trong đó có việc tăng lên của cung lúa gạo trong nước. Vào thời điểm này, ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch nên sản lượng lúa tăng do đó cung lúa gạo tăng lên. Trong khi đó cầu tiêu dùng nội địa (dân cư, thức ăn chăn nuôi…) không tăng tương ứng. Cùng với đó, cầu xuất khẩu gạo có dấu hiệu chững lại do vào thời điểm này các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo chủ yếu thực hiện theo cam kết của các hợp đồng đã ký. Theo Báo cáo thị trường lúa gạo của AGROINFO thì trong Qúy 1/2010 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 22,86% về lượng và 20,65% về giá trị so với cùng kỳ 2009. Cung lúa gạo tăng trong khi cầu chững lại là một trong những yếu tố làm giá lúa gạo giảm.

Trước diễn biến của tình hình lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Theo đó, yêu cầu các DN công bố giá mua lúa đảm bảo lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất từ đầu vụ của nông dân. Và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã đưa ra mức giá sàn tối thiểu 4.000 đồng/kg tại kho DN, tuy nhiên mức giá này chưa được nhiều nông dân ủng hộ. Vậy theo ông, việc đưa ra giá sàn phải tính toán trên cơ sở nào?

Ông Đỗ Văn Hảo: Xác định giá sàn lúa ngoài việc dựa trên cơ sở giá thành sản xuất cũng nên tính đến các yếu tố rủi ro. Theo kết quả điều tra của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thì trong chi phí sản xuất lúa công lao động chiếm tỷ lệ cao nhất, trên 50%, tiếp theo là chi phí về phân bón, trên 20%, còn các chi phí khác: giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật... đều chưa đến 10%. Tuy nhiên, các chi phí này thường xuyên thay đổi tùy từng thời điểm, địa phương và chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các nhân tố khác, trong đó chi phí nhân công - bộ phận cấu thành lớn nhất của tổng chi phí lại có xu hướng tăng lên (năm 2009 tăng khoảng 20% so với năm 2008). Ngoài ra, chi phí sản xuất lúa cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình thời tiết, sâu bệnh… Vì vậy, khi xác định giá sàn thu mua lúa gạo cần tính đến sự biến động của các yếu tố chi phí làm căn cứ để có mức giá sàn thu mua lúa cho hợp lý. Ngoài ra cũng nên tính đến các yếu tố rủi ro khác như: thời tiết, sâu bệnh… vì trong sản xuất nông nghiệp các yếu tố này cũng có ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

Trước mắt, để ngăn chặn đà giảm giá này, theo ông cần phải làm gì?

Ông Đỗ Văn Hảo: Hiện nay, các DN thu mua lúa gạo trực tiếp từ hộ nông dân chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% mua qua bộ phận trung gian, tức là các thương lái. Tuy nhiên, vào vụ thu hoạch, nông dân do gánh nặng về chi phí công lao động, chi phí phân bón, … và gặp khó khăn trong việc bảo quản do hạn chế về sân kho, bãi phơi nên thường xảy ra tình trạng bán tháo lúa, vì vậy giá lúa càng được đà giảm mạnh. Để ngăn chặn đà giảm giá trước mắt cần có chính sách hỗ trợ vốn, giãn nợ tạo điều kiện để bà con nông dân giảm thiểu việc bán tháo lúa. Ngoài ra, bên cạnh chính sách bù lỗ giá cho các DN để thu mua tạm trữ lúa cho người dân, cần xây dựng cụ thể cơ chế thu mua lúa gạo giữa doanh nghiệp, bộ phận trung gian và bà con nông dân trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên.

Sản lượng lúa Đông Xuân niên vụ 2009 - 2010 ước tính khoảng 10 triệu tấn nhưng 3 tháng đầu năm 2010 mới xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo. Hiện các doanh nghiệp mới ký hợp đồng xuất khẩu 3,1 triệu tấn trong kế hoạch dự kiến xuất khẩu năm 2010 là 6 triệu tấn. Như vậy, lượng lúa gạo còn lại trong dân là rất lớn. Vậy trong thời gian tới làm thế nào để đẩy giá lúa lên, đảm bảo người nông dân có lãi?

Ông Đỗ Văn Hảo: Theo dự báo của AGROINFO cũng như của các tổ chức lương thực quốc tế thì nguồn cung lúa gạo thế giới niên vụ 2010/11 có xu hướng giảm, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo và là một tín hiệu tốt để nâng giá lúa gạo trong nước khi cầu lúa gạo cho xuất khẩu tăng lên. Theo dự báo của AGROINFO thì khoảng giữa Quý 2/2010 giá lúa gạo sẽ tăng trở lại. Do đó, trong lúc này bà con nông dân nên giữ tâm lý bình tĩnh hơn, chờ tín hiệu tích cực của thị trường.

- Xin cảm ơn ông!


Theo Báo Tin Tức
Báo cáo phân tích thị trường