Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Giảm giá bán, vẫn phải ôm hàng tồn
29 | 04 | 2010
Hơn một tháng qua, giá gạo xuất khẩu liên tục sụt giảm. So với cuối năm ngoái, giá gạo đã giảm 300 USD mỗi tấn.

Theo thống kê của hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 4, doanh nghiệp đã bán 1,8 triệu tấn gạo trong tổng số khoảng 2,8 triệu tấn ký hợp đồng, đạt giá trị trên 800 triệu USD.

Không có đầu ra

Hai tháng gần đây, tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký cũng như việc tìm kiếm đơn hàng mới có dấu hiệu chựng lại và gặp nhiều khó khăn. Một nguồn tin cho hay, Philippines đang đề nghị giãn thời gian giao đối với hợp đồng trên 1 triệu tấn gạo mà họ mua vào cuối năm 2009 do lượng kho chứa đã đầy. “Hợp đồng đã ký, ngày giao hàng đến mà gạo còn nằm kho sẽ phát sinh thêm chi phí, phần này doanh nghiệp phải gánh”, một doanh nghiệp tâm sự như vậy.

Không như dự đoán của doanh nghiệp trước đó, bước qua quý 2, thị trường gạo thế giới vẫn khá trầm lắng. Những nơi như Philippines, châu Phi, Trung Đông hay Iraq được kỳ vọng sẽ mua gạo trong tháng 4 thì nay vẫn chưa thấy khách hàng. Cuối tháng 3, Philippines loan tin mở thầu tập trung để mua thêm 800.000 tấn gạo, nhưng đến chiều 27.4, một nguồn tin từ VFA cho hay, kế hoạch này bị hoãn lại. Chưa kể tới khách hàng châu Phi, nếu mua gạo của Pakistan, tuy cùng mức giá, cùng phẩm cấp với gạo Việt Nam, nhưng tiết kiệm được 15 – 20 USD/tấn cước phí vận chuyển so với mua từ Việt Nam.

Áp lực tồn kho

Nếu chọn kịch bản giảm khối lượng xuất khẩu như bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa dự báo, vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp dự trữ gạo dài ngày tất yếu sẽ phải được đặt ra.

Tình trạng mất giá tiếp tục xảy ra, do khách hàng không chịu mua liền mà tiếp tục chờ giá xuống nữa mới giao dịch. Cho dù hiện nay VFA đang hướng dẫn giá sàn gạo 5% tấm là 350 USD/tấn, nhưng để bán được không phải dễ, vì doanh nghiệp cho hay giá giao dịch thành công chỉ xoay quanh 320 – 330 USD/tấn. Như vậy, so với giá gạo mà doanh nghiệp mua tạm trữ hai đợt trong tháng 2 và 3, trung bình 6.600 – 7.000 đồng/kg thì họ đã bị lỗ. “Chúng tôi được giao mua tạm trữ trên 20.000 tấn gạo, cộng thêm vài chục ngàn tấn mua thêm để kinh doanh, nay giá gạo giảm mạnh như vậy khiến công ty không thể bán ra được”, giám đốc một doanh nghiệp ở Kiên Giang than vãn.

Một số doanh nghiệp khác cho hay, lúc này bán hay không bán đều thiệt. “Bán ngay thì còn bị lỗ ít, nhưng nếu để lại mà lỡ không may thị trường vẫn ảm đạm kéo dài thì phải chịu lãi suất vay ngân hàng”, đại diện một doanh nghiệp thừa nhận, đồng thời đưa ra tính toán: mỗi ký gạo hàng tháng phải cõng thêm 40 đồng lãi suất ngân hàng.

Số gạo còn tồn kho trong doanh nghiệp chưa có hợp đồng đến cuối tháng 4 khoảng trên 1 triệu tấn. Ngoài ra, hiện vẫn còn một lượng lớn gạo đông xuân cuối vụ vẫn do nông dân nắm giữ, chưa kể hàng ngày có thêm hàng ngàn tấn lúa từ Campuchia đưa qua. Áp lực bán hết gạo đông xuân để lấy kho chứa gạo vụ hè thu, dự kiến có thêm 2 triệu tấn, thu hoạch từ cuối tháng 6 đầu tháng 7 trở đi đang đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Một cán bộ VFA cho hay sẽ điều hành giá bán linh hoạt, sao cho có lợi nhất. “Nếu cân đối những hợp đồng ký được giá cao hồi cuối 2009, đầu 2010 thì doanh nghiệp vẫn chưa đến mức gặp khó khăn”, ông này nói thêm như vậy.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường