Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt nhập nằm phơi cảng
04 | 06 | 2010
Đến cuối tháng 5-2010, cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM) lại có hàng ngàn tấn thịt đông lạnh nằm ùn ứ. Trong đó có những lô hàng nằm phơi tại cảng nhiều tháng.

Các doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh cho biết thịt đông lạnh nằm tại cảng là do cơ quan thú y kiểm soát gắt gao, giá cả thịt nhập khẩu biến động và một phần là chất lượng “có vấn đề”.

Lo chất lượng

Không chỉ lo ngại tình trạng hàng tồn tại cảng lâu ngày, chi phí kho bãi đội lên làm giá cả bán ra tăng, một số nhà nhập khẩu còn lo ngại người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt về chất lượng.

Bằng chứng là hồi tháng 9-2009, cảng Cát Lái có trên 5.000 tấn thịt đông lạnh bị “bỏ rơi” nhiều tháng ròng. Nhưng dần dà đến đầu năm 2010, các doanh nghiệp nhân lúc kiểm soát “dễ thở” hơn đã lấy ra khỏi cảng hơn 2.000 tấn.

Dễ nhập, khó thông quan

Tại cảng Cát Lái một ngày giữa tuần cuối tháng 5, từng dãy container hàng lạnh được chất cao ngút. Máy lạnh chạy rì rì cho thấy hàng hóa tại cảng còn rất lớn. Tình trạng này diễn ra như thời điểm tháng 9-2009 (cũng có trên 5.000 tấn thịt đông lạnh nằm tại cảng Cát Lái).

Ông Nguyễn Bá Định, phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn, cho hay tại cảng này còn trên 5.400 tấn thịt đông lạnh. Trong đó, ngoài hàng nhập về trong tháng 4 và 5, vẫn còn hàng ngàn tấn thịt nhập về cách nay nhiều tháng, thậm chí cả năm.

Cơ quan hải quan cho biết thủ tục thông quan đối với thịt đông lạnh vẫn làm như trước đây, tức nhà nhập khẩu đóng thuế đầy đủ, trong đó hồ sơ xin thông quan hàng phải có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm do Cơ quan thú y vùng VI cấp. Vì vậy việc hàng ách lại tại cảng không phải do thủ tục hải quan.

Theo một số đầu mối nhập khẩu thịt đông lạnh, cách đây khoảng hai tháng lượng thịt đông lạnh nhập khẩu bắt đầu có xu hướng nhích lên, khâu kiểm soát thú y “dễ thở” hơn hiện nay. Ở thời điểm đó, doanh nghiệp cho rằng khâu này đã thoáng nên lại bắt đầu nhập hàng về nhiều, đặc biệt trong tháng 4.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Cơ quan thú y vùng VI, cho biết để đảm bảo không lọt lưới ra thị trường thịt kém chất lượng, cơ quan này tiếp tục kiểm tra gắt gao từ khâu lấy mẫu đến kiểm nghiệm. Theo ông Bình, hiện nay hàng đăng ký kiểm nghiệm với cơ quan thú y chỉ 4-5 container/ngày.

Một cán bộ trong ngành thú y cho biết hiện việc xin phép nhập khẩu thịt đông lạnh vào VN khá dễ. Cơ quan cấp phép chỉ xem xét nhãn mác. Ngay cả với những lô hàng không được chấp nhận tiêu thụ ở một số thị trường như: Trung Quốc, Nga... vẫn được nhập về cảng VN.

Tuy được cho nhập vào VN nhưng nếu kiểm soát của thú y vùng không đạt chất lượng, hàng vẫn phải tái xuất. Từ đầu năm đến nay đã có không ít lô hàng bị yêu cầu tái xuất vì không đạt chất lượng. Hiện tại cảng Cát Lái vẫn còn thịt nhập chờ tái xuất.

 Vị cán bộ thú y này cho biết nhập dễ nhưng thông quan siết chặt là một trong những lý do khiến thịt phải nằm ùn ứ tại cảng.

Đặt cược rủi ro

Ông T., giám đốc một công ty thương mại chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh, cho hay mức giá chào hàng đối với các lô hàng không vào được thị trường Nga và Trung Quốc chỉ 650-700 USD/tấn. Hàng này không phải tất cả đều kém chất lượng, nhưng chắc chắn không thể đảm bảo như các loại hàng đang có giá 800-850 USD/tấn.

Theo ông T., đơn vị này từng nhập trên 10 container thịt đông lạnh ở nguồn trên và phải rất trầy trật mới chạy được giấy tờ, thủ tục xin thông quan hàng.

Hiện tại thị trường TP.HCM vẫn có một số doanh nghiệp nhập hàng này về với giá rẻ hơn khoảng 20% giá thị trường. Các doanh nghiệp này chấp nhận đặt cược rủi ro và lợi nhuận, bởi giá đầu vào chênh lệch lớn nhưng giá đầu ra lại ở mức tương đương các loại thịt khác.

Ông T. cho hay với những lô hàng này, may mắn thì có thể thông quan sớm, nhưng nếu bị siết lại thì doanh nghiệp phải lựa thời điểm thích hợp mới dám lấy hàng ra. Chi phí kho bãi lại được tính vào giá bán cho người tiêu dùng.

Một nguyên nhân khác dẫn tới thực trạng thịt đông lạnh ùn ứ tại cảng, trong khi cả lãnh đạo Cục Thú y cũng xác nhận lượng thịt cấp phép nhập về trong tháng 5 không nhiều, là do biến động giá cả và dự báo thị trường chưa chính xác của một số nhà nhập khẩu.

Các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cho biết cách đây 2-3 tháng, giá đùi gà giao dịch trên thị trường thế giới có thời điểm lên tới 1.000-1.100 USD/tấn, nhưng nay giá đã giảm còn 800-850 USD/tấn.

Nhập hàng về ở thời điểm giá cao, nay giá lại giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp chưa lấy hàng ra, thậm chí có ý định bỏ hàng.

86% thịt nhập là gà đông lạnh

Theo hải quan cảng Cát Lái (hầu hết thịt đông lạnh nhập khẩu về khu vực phía Nam đều qua cảng này), tính từ đầu năm đến nay kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm gồm: gà, bò, heo, cừu, dê, trâu và cả lòng động vật đông lạnh gần 65 triệu USD. Trong đó, đại đa số là đùi gà và cánh gà nhập khẩu, với kim ngạch chiếm tới 86%. Đứng thứ hai là thịt bò đông lạnh, giá trị nhập khẩu khoảng 7,7 triệu USD.

Riêng các loại lòng động vật, mề gà... cũng có 109 tấn đã được thông quan, giá trị khoảng 234.000 USD.


86% thịt nhập là gà đông lạnh

Theo hải quan cảng Cát Lái (hầu hết thịt đông lạnh nhập khẩu về khu vực phía Nam đều qua cảng này), tính từ đầu năm đến nay kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm gồm: gà, bò, heo, cừu, dê, trâu và cả lòng động vật đông lạnh gần 65 triệu USD. Trong đó, đại đa số là đùi gà và cánh gà nhập khẩu, với kim ngạch chiếm tới 86%. Đứng thứ hai là thịt bò đông lạnh, giá trị nhập khẩu khoảng 7,7 triệu USD.

Riêng các loại lòng động vật, mề gà... cũng có 109 tấn đã được thông quan, giá trị khoảng 234.000 USD.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường