Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đẩy mạnh xuất khẩu bằng tiếp thị trực tiếp
17 | 07 | 2007
Trong chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội thảo “Làm thế nào để tìm kiếm và bán hàng thành công đến các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ?”, với tư cách là diễn giả chính, ông Phillip W.Byrd - Tổng giám đốc Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ (AIA) đã cung cấp một thông tin thú vị, đó là các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đánh giá rất tốt về sản phẩm Việt Nam và sẵn sàng mua hàng Việt Nam.
Theo ông Phillip, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ luôn muốn tìm kiếm các nguồn cung cấp mới và hơn lúc nào hết, khi đã trở thành thành viên của WTO, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chủ động tìm đến các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ để tìm cơ hội. Ông Phillip cho biết, các nhóm hàng được các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ quan tâm và kỳ vọng ở các nhà xuất khẩu Việt Nam là đồ gỗ gia dụng, giày da, thực phẩm, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng lưu niệm. Ngoài ra, hàng dệt gia đình (các loại màn cửa, bao gối, chăn, ga…) cũng có thể xuất khẩu và tiêu thụ tốt tại Hoa Kỳ. Hàng thủ công của các dân tộc thiểu số, có tính chất đặc biệt… cũng có thể là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh, nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam nắm bắt tốt thị hiếu.

“Tuy nhiên, điều quan trọng là các nhà xuất khẩu Việt Nam phải làm tốt khâu tiếp thị và tiếp cận các nhà nhập khẩu. Cách tiếp thị của các nhà xuất khẩu Việt Nam đang có vấn đề”, ông Phillip thẳng thắn nhận xét. Minh chứng cho nhận xét này, ông Phillip chỉ ra rằng, đồ gỗ gia dụng của Việt Nam đẹp là thế, chất lượng là thế, nhưng khó ai biết được chất lượng và kiểu dáng của sản phẩm nếu chỉ xem qua danh mục các mặt hàng và các cuốn sách giới thiệu sản phẩm được gửi đến. “Tốt nhất là các nhà xuất khẩu nên mời nhà nhập khẩu đến Việt Nam, hoặc mang sản phẩm sang Hoa Kỳ để nhà nhập khẩu được tận tay, tận mắt thấy sản phẩm”, ông Phillip nói.

Trong cách tiếp cận nhà nhập khẩu, ông Phillip cho biết, các nhà xuất khẩu nên gửi thư trực tiếp để chào hàng. Đặc biệt, thư chào hàng phải có đầy đủ thông tin về trang web của nhà xuất khẩu để các đối tác có thể tìm hiểu thêm thông tin qua trang web này. Bên cạnh đó, theo ông Phillips các nhà xuất khẩu cũng phải nắm bắt tâm lý tiêu dùng của cả nhà nhập khẩu lẫn người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Ông Phillip phân tích, từ khi Wal Mart hình thành thì thị trường Mỹ có tâm lý Wal Mart, đó là tâm lý chuộng giá rẻ và mua hàng ở siêu thị. Đại đa số người tiêu dùng Mỹ đều mua hàng ở siêu thị, kể cả hàng thực phẩm, dệt may, giày dép… để giảm thiểu thời gian tìm kiếm từng món hàng và mua được hàng với giá rẻ. Tâm lý này cũng có ở đại đa số các nhà nhập khẩu và đó là lý do vì sao họ liên tục đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải giảm giá.

Hoa Kỳ là một thị trường hỗn hợp, đa dạng nhu cầu về chủng loại, chất lượng và giá cả hàng hóa. Vì thế, ông Phillip cho rằng, các nhà xuất khẩu chỉ cần nắm bắt được nhu cầu và phân khúc thị trường là không sợ thất bại. Là một quốc gia công nghiệp, người Mỹ thích sự sẵn sàng, thuận tiện, nhanh chóng. Chẳng hạn, với mặt hàng quà tặng, người Mỹ chuộng những sản phẩm có sẵn bao bì đóng gói, đến mua là có ngay, chứ không cần phải mất thời gian chờ đợi và đó là điều các nhà xuất khẩu cần phải nắm bắt.

Theo dự báo của AIA, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2006 sẽ vượt ngưỡng 9 tỷ USD, vì mức độ tín nhiệm sản phẩm Việt Nam của người tiêu dùng Hoa Kỳ đang tăng cao. Con số này trong năm 2007 được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng. “Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cao hay thấp, nhanh hay chậm, còn tùy thuộc vào sự nhanh nhạy và chủ động của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”, ông Phillip nhấn mạnh



Theo VIR
Báo cáo phân tích thị trường