Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đề án rau an toàn: Khó về đích đúng hẹn
05 | 08 | 2010
Mục tiêu của Hà Nội là đến năm 2010, diện tích rau an toàn (RAT) trên toàn thành phố sẽ là 2.400 - 2.500ha và đến năm 2015 đạt 5.000 - 5.500ha. Tuy nhiên, cho đến nay (tháng 8/2010), Hà Nội mới chỉ có 16 dự án xây dựng vùng RAT với diện tích 1.925ha đang trình các Sở và UBND thành phố, trong đó mới có 3 dự án với 187ha được TP phê duyệt. Khó khăn thì có nhiều song theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, nếu chúng ta không sớm tập trung tháo gỡ thì Đề án RAT của TP vẫn chỉ là Đề án...

Còn nhiều vướng mắc   

Theo Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015 do UBND TP phê duyệt thì đến năm 2010, toàn TP sẽ có 2.400 - 2.500ha RAT và đến năm 2015, con số này là 5.000 - 5.000ha. Tuy nhiên sau nhiều nỗ lực, đến nay toàn TP mới có 16 dự án xây dựng vùng RAT tập trung đang trình các Sở và UBND TP với tổng diện tích 1.925ha, trong đó có 3 dự án với 187 ha được TP phê duyệt. 6 dự án khác tại huyện Đông Anh đã trình các ngành và TP, song do vướng mắc về quy hoạch khác nên phải dừng lại, không triển khai tiếp được.

Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là do vướng mắc trong phân công cán bộ lập dự án tại các địa phương; Do chưa thống nhất về nguồn nước. Các nguyên nhân về vướng quy hoạch, vướng thu hồi, GPMB cũng khiến cho các dự án không theo kịp tiến độ. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, một nguyên nhân quan trọng nữa là các địa phương còn lúng túng trong việc thẩm định, phê duyệt dự án. Tại các huyện, lãnh đạo chưa thật sự sâu sát và quyết liệt trong việc đề xuất phương án khắc phục. Những khó khăn về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ.

Cần hài hòa lợi íchgiữa DN và nông dân

Tại cuộc họp báo cáo tiến độ Đề án RAT với các Sở, ngành và UBND TP ngày 3/8, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ, chính sách thu hút nông dân cũng như mối liên hệ giữa doanh nghiệp và nông dân còn chưa được quan tâm. Ông Phạm Văn Khương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho rằng:Người nông dân làm ra sản phẩm thì chỉ quan tâm tới việc bán ở đâu, giá cả thế nào? Vì vậy thị trường nào tốt thì họ sẽ theo. Để tham gia vào Dự án RAT thì lợi nhuận phải cao hơn rau thường, họ mới tham gia. Vì thế, khi đầu tư vào lĩnh vực này, doanh nghiệp cũng phải hiểu, phải chia sẻ lợi ích với nông dân. Còn theo ông Nguyễn Duy Phong, Trưởng phòng Giao thông Đô thị (Sở Tài chính) thì hiện nay, việc tiêu thụ RAT ở các siêu thị vẫn còn hạn chế, người dân vẫn mua rau ở chợ là chính. Vì vậy khi tính đến việc hỗ trợ cho nông dân, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về giống, vốn, thuốc trừ sâu, phân bón... Ông Phong cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo tổ chức các hội nghị tiếp xúc giữa các doanh nghiệp và các HTX sản xuất RAT để họ chia sẻ những vướng mắc và hợp tác kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng cho rằng, hiện các dự án mới đi được 1/3 quãng đường, đó là mới dừng ở khâu xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn về hình thức tổ chức, giám sát quy trình sản xuất, lợi ích của người dân và xã hội thì chúng ta chưa quan tâm. Vì thế, các doanh nghiệp và địa phương cần chấn chỉnh và xây dựng dự án theo mô hình khép kín. Tới đây, những dự án không đáp ứng được những yêu cầu này, UBND TP sẽ yêu cầu dừng triển khai.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ của Đề án, đáp ứng nhu cầu bức thiết về thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng đề nghị trong thời gian tới, các ngành, các huyện phải tập trung chỉ đạo thật sát sao. "Tới đây, mỗi huyện phải chọn ít nhất 1 dự án để thực hiện. Nếu khó thì phải tháo gỡ" - ông cho biết. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các ngành và địa phương phải rà soát lại các cơ chế chính sách trong nội dung của Đề án để giải quyết, đặc biệt là quan tâm tới hình thức tổ chức, xây dựng thương hiệu, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, thu hút tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư. Sở NN&PTNT sớm ban hành quy trình sản xuất, sau đó tập huấn giới thiệu công khai cho người dân. Sở KH ĐT và Sở Tài chính sớm phân bổ nguồn lực để các doanh nghiệp sớm triển khai.



Theo Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường