Kém từ chất lượng, năng lực
Việt Nam hiện có khoảng 130.000ha chè, tập trung ở 34 tỉnh, thành trên cả nước. Với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha đối với chè giống thường và từ 60 - 90 triệu đồng/ha đối với chè cao sản, ngành chè không những mang lại giá trị kinh tế lớn mà còn giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 6 triệu lao động trên cả nước. Tuy nhiên, sau 50 năm phát triển, giá chè xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp, chưa mang lại giá trị tương xứng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho biết: 10 năm qua (từ 1999 - 2009), trong khi các chỉ tiêu về sản lượng chè khô, chè xuất khẩu, năng suất bình quân, diện tích vùng nguyên liệu… ngành chè đều đạt và vượt kế hoạch thì riêng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu là không đạt. Cụ thể, năm 2009, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cho ngành chè là 200 triệu USD nhưng cuối năm, con số này chỉ đạt 179 triệu USD. Tình trạng này năm nay có khả năng lặp lại. Giá chè thô xuất khẩu cũng chỉ ở mức 1,4 USD/kg, trong khi kế hoạch đề ra là 1,8 USD/kg. Do đó, mặc dù sản lượng tăng, tỷ lệ xuất khẩu cao nhưng ngoại tệ thu về không nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Vitas, là do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận trước mắt đã sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chè kém chất lượng. Vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt là VSATTP vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề liên kết 4 nhà mới dừng lại ở mặt lý thuyết, khó áp dụng vào thực tế. Bà Nguyễn Thu Hằng, đại diện Công ty Tea Estate Agencies còn cho rằng: Giá chè xuất khẩu của Việt Nam thấp là do các loại chè chưa bắt kịp với nhu cầu luôn thay đổi của thế giới. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu sự tuân thủ các hợp đồng dài hạn, giao hàng không đúng mẫu…
Nâng cao chất lượng và tăng tính liên kết
Tại Hội nghị Quốc tế Chè Việt Nam lần thứ hai vừa diễn ra ở Hà Nội (ngày 30/7), ngành chè Việt Nam xác định đã đến lúc phải tự đổi mới tư duy, đổi mới cách làm để phù hợp và tiến kịp với nhu cầu và xu hướng thế giới.
Để làm được điều này, theo ông Tuân: Ngoài việc nghiên cứu trình Chính phủ các chế tài giám sát, quản lý, Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đang nhanh chóng hoàn thành Chiến lược phát triển ngành chè đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong thời gian tới, ngành chè Việt Nam sẽ đặc biệt coi trọng việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm. Các cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ rà soát lại, chỉ cấp giấy chứng nhận chế biến cho các doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn. Ngoài các giải pháp trên, ngành chè tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu cũ như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan… và thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường mới
Về định hướng phát triển ngành chè trong thời gian tới, ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông, Lâm, Thủy sản và Nghề muối - Bộ NN&PTNT cho rằng: Ngành chè phải phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường.Trên cơ sở thiết lập mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng chè; kết hợp phát triển công nghiệp chế biến hiện đại với đầu tư công nghệ truyền thống. Bên cạnh đó, nên chú trọng sản xuất các loại chè đặc sản, chất lượng cao phù hợp với quy mô từng vùng vùng nguyên liệu, từng địa phương.