Chiều 16-9, tại TPHCM, ba bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT cùng Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và các tỉnh, thành ở ĐBSCL họp bàn về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa trong những tháng cuối năm 2010.
Hiện nay, vấn đề được nhiều người quan tâm là vì sao VFA liên tục tăng giá sàn xuất khẩu gạo gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Chỉ còn VN và Thái Lan xuất gạo
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho rằng việc điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo đã được tổ điều hành xuất khẩu gạo đồng ý trong cuộc họp ngày 31-8.
Theo đó, giao cho VFA điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt nhưng phải bảo đảm 3 tiêu chí: Phải giữ giá lúa cho dân từ nay đến vụ đông xuân, bảo đảm tiêu thụ hết lúa cho dân. Chủ động can thiệp bình ổn thị trường trong nước khi có biến động. Bám sát giá thị trường thế giới đang có biến động thất thường, cũng như phải theo giá nội địa. Hiện nay, chỉ còn Thái Lan và VN bán gạo; Thái Lan cũng vừa tăng giá bán từ 475 USD lên 480 USD/tấn.
Nông dân phải một nắng hai sương nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Ảnh: NGỌC TRINH
Cũng theo ông Phong, việc điều chỉnh tăng giá sàn liên tục không gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đến thời điểm này, hợp đồng xuất khẩu đã ký được 6,6 triệu tấn gạo (trong đó hợp đồng thương mại chiếm đến 60%). Như vậy, từ nay đến cuối năm, còn phải xuất khẩu 1,5 triệu tấn. Hợp đồng xuất khẩu tăng lên khá nhiều về lượng, giá xuất sắp tới tiếp tục tăng. Do đó doanh nghiệp không nên nóng vội, nếu ký bán sớm sẽ bị thiệt.
Dự báo chỉ đúng tại thời điểm... dự báo
Ngưng thu mua lúa tạm trữ Theo ông Trương Thanh Phong, đến thời điểm này, 48 doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu đã ngưng thu mua. Các doanh nghiệp này đã nhập kho được 966.458 tấn so với chỉ tiêu là 1 triệu tấn. Tính đến ngày 15-9, cả nước xuất khẩu được 5,049 triệu tấn gạo, giá xuất khẩu bình quân đạt 424,24 USD/tấn. |
Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng tăng giá sàn liên tục chẳng khác nào kìm hãm xuất khẩu, xuất không được thì giá lúa gạo trong nước sẽ giảm; có phải các bộ, ngành áp chỉ tiêu xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, giải thích: Không có chuyện giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2010, Chính phủ chỉ giao cho các bộ, ngành phải tiêu thụ hết lúa gạo trong dân và cân đối nhu cầu lương thực trong nước. Trong quý IV, lượng gạo hàng hóa vụ thu đông và vụ mùa chỉ có khoảng 1,5 triệu tấn nên chưa thể đưa ra con số xuất khẩu chính xác.
Cũng có ý kiến cho rằng vừa qua, cơ quan chức năng dự báo sai tình hình xuất khẩu gạo dẫn đến nông dân bị thiệt, họ phải bán lúa với giá thấp hơn giá thành. Đến khi giá lúa, gạo tăng thì nông dân không còn lúa để bán, lợi nhuận rơi vào doanh nghiệp.
Như vậy, nông dân không được lãi 30% theo chủ trương của Chính phủ. Ông Phong thừa nhận là đã dự báo sai vì tình hình mỗi lúc mỗi khác. Dự báo có cái đúng, cái sai, chỉ đúng tại thời điểm đó nhưng một, hai tháng sau thì tình hình lại khác. Ông Nguyễn Thành Biên thì cho rằng không thể bảo đảm các lợi ích cho tất cả nông dân.
Nếu bảo đảm cho nông dân ở ĐBSCL có lãi 30% thì nông dân trồng lúa ở miền Trung, miền Bắc giải quyết như thế nào? “Chẳng lẽ, nông dân trồng trọt, chăn nuôi khác cũng phải hưởng lãi 30% hay sao?” - ông Biên nói như vậy. Về việc chưa thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, ông Phong giải thích: Doanh nghiệp không thể ký bao tiêu đến từng hộ nông dân mà cần phải có tổ chức.
Về việc thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ hè thu theo chỉ đạo của Chính phủ, VFA công bố giá thu mua lúa chỉ có 3.500 đồng/kg, tức những doanh nghiệp này mua vào giá thấp, nay bán ra giá cao, họ hưởng lãi lớn mà còn được hỗ trợ lãi suất 0%, ông Trương Thanh Phong cho biết doanh nghiệp thu mua không lãi “đậm” vì khi các doanh nghiệp triển khai mua thì giá lúa bắt đầu tăng liên tục.