Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ cảng ra chợ: Giá cá tăng gấp đôi
10 | 05 | 2011
Giá bán thủy hải sản không đủ duy trì việc ra khơi đánh bắt khiến tàu của ngư dân các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ nằm bờ ngay giữa mùa vào vụ đánh bắt. Trong khi đó, người tiêu dùng TP.HCM vẫn phải mua thủy hải sản với giá ngày càng cao vì nhiều nguyên nhân.

Theo ghi nhận từ các chợ đầu mối tại TP.HCM, nguồn hàng về chợ vẫn dồi dào, tuy nhiên chênh lệch giữa giá bán sỉ và bán lẻ hiện đã lên 25-35%, trong khi trước đây tỉ lệ này chỉ 15-20%.

Tăng nóng...

Nghịch lý là tuy tàu bè có xu hướng nằm bờ do sợ thua lỗ thì lượng hàng về chợ đầu mối thủy hải sản trên địa bàn TP.HCM vẫn không giảm. Chưa kể gần đây thị trường xuất hiện thêm một số loại cá biển nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia như cá nục, cá thu đao khiến nguồn cung dồi dào hơn. Tuy nhiên cùng với thịt heo, thủy hải sản là mặt hàng có tốc độ tăng giá khá cao thời gian gần đây.

Theo ông Nguyễn Doãn Phú - phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (Q.8), thủy hải sản về chợ chủ yếu từ các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, một số ít được cung cấp từ Phan Thiết và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Hơn một tháng nay, lượng cá về chợ vẫn ổn định. Bình quân lượng hàng thủy hải sản về chợ mỗi đêm 680-700 tấn, trong đó cá biển chiếm 300 tấn, cá đồng các loại 300 tấn, còn lại là hải sản phụ như nghêu, sò, ốc... Trong các nhóm, chỉ có hải sản phụ có biến động giá mạnh, những mặt hàng hải sản như cá các loại, tôm mực chỉ tăng nhẹ. Việc tăng giá có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhu cầu ở mặt hàng này đang có xu hướng tăng do giá thịt heo tăng nóng.

Trong khi giá bán các loại cá của ngư dân tại cảng hay chợ đầu mối tăng không đáng kể so với đầu năm thì giá bán lẻ trên thị trường liên tục điều chỉnh. Tại các chợ lẻ ở TP.HCM, các loại cá được nhiều người sử dụng trong bữa ăn hằng ngày như cá nục, cá bạc má, cá ngân... với mức tăng từ 20-30% so với tháng trước.

Các loại cá có giá trị cao như cá thu, cá chim hay mực, cua tăng ở mức 5-15%. Có những loại được cho là nguồn cung không đủ cầu nên tăng đột biến, ở mức 40-50% như mực ống... Ông Phú cho biết trước đây chênh lệch giá bán mặt hàng thủy hải sản giữa chợ sỉ và chợ lẻ chỉ 10-15% nhưng hiện nay tỉ lệ này đã vọt lên 25-35%. Cá biệt, chỉ cần có thông tin bất lợi về nguồn hàng hay sức mua tăng vọt, đặc biệt trong ngày lễ thì mức chênh lệch có thể nhảy lên 40-50%.

Theo các đầu nậu gom cá, ngư dân mang cá về bao nhiêu cũng không đủ, nhưng các đại lý thu gom đưa nhiều lý do để không tăng giá.

Giá cá từ cảng đến chợ lẻ

Loại cá

Cảng

Phước Tỉnh

Chợ sỉ

Bình Ðiền

Chợ lẻ

Bạc má

20.000

28.000-35.000

38.000-41.000

Cá nục

8.000-9.000

20.000-27.000

32.000-42.000

Cá nục gai

54.000

65.000-90.000

145.000-170.000

(Đơn vị tính: đồng/kg)

Giá tăng do chi phí cao?

Chờ chính sách hỗ trợ

Theo các chủ tàu cá, với mỗi chuyến ra khơi kéo dài một tháng, một cặp tàu (450-460 mã lực/tàu) tốn chi phí khoảng 800 triệu đồng, trong đó tiền mua dầu chiếm trên 70%. Với mức giá cá hiện nay, doanh thu trung bình của một chuyến biển chỉ 500-550 triệu đồng, người đi biển cầm chắc lỗ. Nhiều chủ tàu cho biết nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó để ngư dân bám biển, vượt khó. Hiện nay tâm lý của các ngư dân là chờ giá cá tăng để có thể tiếp tục ra khơi đánh bắt, mưu sinh chứ chưa có động thái gì từ các hiệp hội, sở ngành.

Tại làng cá Phước Tỉnh, đa số ngư dân đánh cá bằng giã cào ngoài khơi xa, một số khác đánh lưới gần bờ. Khi các tàu cá về bến thì chủ tàu thường nhờ các đầu nậu bán giùm cá cho các đại lý thu mua. Các đầu nậu thường lấy chênh lệch khoảng 1.000 đồng/kg cá. Các đại lý thu gom sẽ phân loại cá theo chủng loại, phẩm chất rồi bán cho các cơ sở chế biến xuất khẩu hoặc chuyển lên các chợ đầu mối, đại lý trên TP.HCM.

Từ đây, cá được phân phối khắp các chợ lẻ và cửa hàng. Chị Hương, một đầu nậu cá tại Phước Tỉnh, cho hay giá cá tăng không kịp với giá dầu nên ngư dân rất khó khăn. Giá loại cá mối hiện chỉ 15.000 đồng/kg, trong khi tính ra phải được giá 18.000 đồng/kg thì người đi biển mới có lời. “Các đại lý nói họ đã ký hợp đồng từ trước với khách hàng nên không thể tăng giá mua cá ngay được. Họ còn nói tình hình xuất khẩu và tiêu thụ hiện nay khó khăn nên nhu cầu giảm xuống” - chị Hương kể.

Anh Trà Văn Bé, chủ hai đôi tàu hiện đang nằm bờ, cho hay hồi đầu năm giá dầu là 14.000 đồng/lít thì giá cá ăn (bao gồm cá mối, cá đỏng...) cũng ở mức 14.000 đồng/kg, tức mỗi ký cá tương đương một lít dầu.

Nhưng đến nay, giá dầu tăng lên 21.000 đồng/lít thì giá cá chỉ tăng nhỏ giọt, chỉ khoảng 15.000-16.000 đồng/kg. Thậm chí loại cá bò không tăng mà còn giảm, hồi đầu năm cá này bán được giá 13.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 11.000 đồng/kg. Phí tổn cho mỗi chuyến tàu tăng lên nên nhiều tàu cá gia đình chỉ hoạt động cầm chừng vì càng đi càng lỗ.

Khảo sát tại một số siêu thị, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản cũng có biến động nhưng mức tăng ít hơn chợ, từ 5-15%. Bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon

Co.op phụ trách khối thu mua

Siêu thị Co.op Mart, cho biết mặt hàng thủy hải sản mang tính thời vụ cao nên giá có thể thay đổi thường xuyên. Để có nguồn cung ổn định, siêu thị ký hợp đồng trực tiếp với các đầu nậu, giảm bớt khâu trung gian, việc tăng giá vì thế cũng ít đột biến hơn so với chợ.

Ngoài ra, các siêu thị cũng xác định đây là nhóm hàng gia tăng giá trị cộng thêm, thu hút người nội trợ vào mua sắm nên lợi nhuận từ ngành hàng này không được đề cao.

Trong khi đó, các tiểu thương lại cho rằng chất lượng thủy hải sản quyết định rất nhiều đến giá cả. Đây là mặt hàng tươi sống nên có chênh lệch giữa hàng đầu chợ và cuối chợ cao. Theo một tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), giá thủy hải sản tăng còn do chi phí đầu vào tăng chứ không đơn thuần là ảnh hưởng của nguồn cung.

“Trong lúc buôn bán, người bán phải sử dụng đá, nước và điện nhiều để bảo quản mặt hàng. Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng thì chi phí bán hàng cũng tăng theo” - bà này nói.

Theo ông Doãn Phú, việc các chợ lẻ tăng giá bán nhưng với tỉ lệ cao hơn nhiều so với chợ đầu mối có thể một phần do tiểu thương tranh thủ đẩy giá khi hàng bán chạy.



Theo Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường