Sản lượng cà phê toàn cầu được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sẽ đạt 135 triệu bao (1 bao = 60 kg), vượt tiêu thụ năm thứ 2 liên tiếp, song nguồn dự trữ vẫn trong tình trạng khan hiếm.
Con số này thấp hơn 2,9 triệu bao so với vụ 2010/11, do Brazil bước vào chu kỳ sản xuất thấp 2 năm một lần.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) thì dự báo sản lượng sẽ chỉ đạt 130 triệu bao.
Giá arabica kỳ hạn tại Sở giao dịch New York (ICE) đã tăng gần 130% lên mức đỉnh cao 34 năm 3,0890 đô la/lb vào đầu tháng 5, kỳ tăng giá kéo dài suốt 11 tháng bắt đầu từ tháng 6/2010.
Mức tăng đó vượt xa dự báo của nhiều nhà phân tích, do lo ngại nguồn cung cà phê chất lượng cao khan hiếm trên toàn cầu và hoạt động mua đầu cơ diễn ra mạnh mẽ.
Xuất khẩu cà phê thế giới dự báo đạt 102,1 triệu bao trong vụ 2011/12, so với 107,5 triệu bao niên vụ trước.
USDA dự báo dự trữ cà phê toàn cầu sẽ chỉ 26,4 triệu bao, giảm so với 26,8 triệu bao vụ 2010/11, song cao hơn mức 24,418 triệu bao vụ 2009/10 – năm thấp nhất kể từ 2000/01.
USDA cho rằng năm nay Brazil sẽ sản xuất 49,2 triệu bao, giảm 5,3 triệu bao so với niên vụ trước. Sản lượng arabica của Brazil sẽ giảm tới 7,1 triệu bao xuống 34,7 triệu bao. Tuy nhiên, sản lượng robusta của Brazil sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 14,5 triệu bao nhờ thời tiết ở bang Espirito Santo thuận lợi. Bang này góp tới 75% sản lượng robusta của Brazil.
Nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới - Việt Nam, sẽ góp kỷ lục 20,6 triệu bao vào sản lượng toàn cầu, cao hơn 1,9 triệu bao so với vụ trước, nhờ mưa thuận lợi. Giá cao cũng khích lệ người trồng cà phê tăng đầu tư cho cây trồng.
Colombia sẽ có 10,5 triệu bao, tăng 1 triệu bao. Giống như ở Việt Nam, giá cao khích lệ chính phủ nước này tăng đầu tư phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây để tăng năng suất. Tuy nhiên, con số năm nay vẫn thấp hơn mức trung bình 11,8% của 5 năm qua.
Indonesia sẽ có 7,9 triệu bao trong vụ này, giảm 1,4 triệu so với vụ trước, do mưa quá nhiều.
Ấn Độ dự kiến sẽ giảm thu hoạch 300.000 bao so với vụ trước, xuống 4,8 triệu bao, chủ yếu bởi các khu vực trồng robusta bị mưa bất thường vào đúng giai đoạn ra hoa nên cây cho năng suất kém.
Mexico sẽ có sản lượng duy trì ở 3,7 triệu bao như năm ngoái. Thời tiết khô hạn bất lợi cho cây trồng ở nước này.
Trong thập kỷ qua, sản lượng cà phê thế giới đã tăng 23,5 triệu bao (21%), chủ yếu nhờ Brazil và Việt Nam. Sản lượng của 50 nước sản xuất khác gần như không thay đổi, với mức tăng nhẹ ở nước này bù cho giảm nhẹ ở nước kia.
Ví dụ sản lượng của Nicaragua, Honduras, Peru và Indonesia tăng trên 1 triệu bao trong 10 năm qua, song của Bờ Biển Ngà và Colombia lại giảm đúng bằng đó.
Chỉ 5 năm trở lại đây, sản lượng ở một số quốc gia mới giảm mạnh do sâu bệnh, thiên tai và thời tiết xấu. Chương trình trồng mới cây cà phê ở một số quốc gia cũng ảnh hưởng tới sản lượng.
Sản lượng arabica và robusta tăng gần tương đương nhau trong thập kỷ qua, với mức tăng lần lượt 11,9 triệu và 11,6 triệu bao. Do vậy tỷ lệ hai loại này vẫn duy trì ở 60% và 40%.
Sản lượng arabica thập kỷ qua tăng ở Brazil, Honduras, Peru và Nicaragua bù lại cho giảm ở Colombia, Ấn Độ và Costa Rica.
Gần hai phần ba robusta tăng đến từ Việt Nam, và một phần ba từ Brazil.
Dự trữ cà phê thế giới đã sụt giảm gần một nửa trong thập kỷ qua, và cơ cấu địa lý có sự thay đổi. Ban đầu, những nước tiêu thụ hàng đầu nắm giữ phần lớn, các nước sản xuất chỉ giữ 40%. Nhưng hiện tại, Mỹ và Nhật Bản chiếm khoảng 70%, còn Brazil, Việt Nam và Colombia chỉ giữ 25%.
Theo Vinanet