Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hai bộ giằng co vì tôm thẻ chân trắng
12 | 08 | 2011
Bộ NN&PTNT: Việc làm của Bộ TN&MT đã tác động không nhỏ đến việc phát triển sản xuất và xuất khẩu của thủy sản.
Ngày 9-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chính thức đưa ra quan điểm bằng Thông tư 22 về việc quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại, trong đó đưa tôm thẻ chân trắng (TCT) và hàu Thái Bình Dương vào danh mục loài có nguy cơ xâm hại. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-8 tới.

Ngay sau khi thông tư được công bố, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn gửi Bộ TN&MT đề nghị Bộ TN&MT rút hai loài sinh vật ngoại lai trên ra khỏi danh mục có nguy cơ gây hại.

Tác động đến lợi ích kinh tế

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, hàu Thái Bình Dương và tôm TCT đang là đối tượng nuôi chủ đạo của ngành thủy sản VN. Các chủng loại này đều được các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ ngăn ngừa dịch bệnh tại các cửa khẩu. Trước khi nhập vào VN, các chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển đã có giấy phép chứng nhận an toàn và phiếu xét nghiệm đối với một số bệnh nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, Taura… Việc làm của Bộ TN&MT đã tác động không nhỏ đến việc phát triển sản xuất và xuất khẩu của thủy sản VN.

Để có thêm thông tin về nguồn gốc của tôm TCT, Pháp Luật TP.HCM đã gặp ông Vũ Đình Đáp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Nha Trang, Khánh Hòa), là đơn vị được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất giống tôm TCT. Ông Đáp cho biết giống tôm TCT được nghiên cứu ở VN từ năm 2004-2006 bằng hình thức nuôi thương phẩm, triển khai nuôi thử nghiệm ở một số vùng miền Trung như Quảng Ngãi, Khánh Hòa... Giống này được VN nhập từ Hawaii, mặc dù xuất xứ gốc Nam Mỹ. Đặc điểm của loại tôm TCT là không nên nuôi gần với tôm sú nội địa vì hai loài này đối kháng nhau và như thế sẽ khiến cho việc lây và phát tán dịch bệnh cao. “Trước đó, qua thử nghiệm, chúng tôi không phát hiện ra sự lây nhiễm dịch bệnh giữa hai dòng sản phẩm này” - ông Đáp khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Đáp, do cơ chế thị trường và lợi nhuận của tôm TCT cao hơn nhiều so với tôm sú, từ năm 2008-2010, các địa phương đã cho phát triển ồ ạt, lấn át tôm sú, do đó dịch bệnh là vấn đề khó tránh khỏi. Trước kia, khi nuôi thử nghiệm, phạm vi hẹp, nằm trong tầm kiểm soát thì sẽ dễ quản lý nuôi trồng hơn. Công tác phòng ngừa dịch bệnh kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc Bộ TN&MT vừa liệt kê hai loài thủy sản hàu Thái Bình Dương và tôm TCT nằm trong danh sách các sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại môi trường mới chỉ dừng ở mức cảnh báo.

Ông Đáp cho rằng khi đưa ra cảnh báo này thì phải có cơ sở khoa học chắc chắn. Có thể ở các nước khác, loài vật nuôi này ảnh hưởng đến môi trường nhưng ở VN thì chưa chắc. So với hàu nội địa thì hàu Thái Bình Dương có giá trị kinh tế cao hơn và môi trường sống tốt hơn. Đối với tôm TCT tuy du nhập vào VN chưa lâu nhưng đã được bà con nông dân tiếp nhận một cách tích cực, chúng ta đưa ra cảnh báo về môi trường là điều cần thiết nhưng nếu chỉ dựa vào đấy mà hạn chế nuôi thì không nên.

Tôm TCT: Chỉ được nuôi riêng biệt

Đại diện Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nhấn mạnh thêm, Bộ TN&MT muốn đưa ra một cảnh báo gì về các giống thủy sản nói chung và loài tôm TCT nói riêng cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia ngành thủy sản, lấy ý kiến đơn vị trực tiếp quản lý và tham mưu liên quan đến thủy sản của Bộ NN&PTNT để kiểm chứng. Bộ TN&MT chỉ đơn phương đưa ra cảnh báo thì phải xem xét lại. Bên cạnh đó, hàu Thái Bình Dương và tôm TCT là hai giống thủy sản nằm trong chiến lược phát triển của ngành thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đằng này Bộ TN&MT lại đưa ra thông tư được xem như là văn bản quy phạm pháp luật để đánh giá tác động môi trường.

Chiều 11-8, ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Bộ TN&MT, cho biết hiện tại những vấn đề liên quan đến tôm TCT là loài có nguy cơ xâm hại sẽ được bộ này trả lời cụ thể trong đầu tuần tới.

Liên quan đến việc thời gian qua tôm TCT ở đồng bằng sông Cửu Long bị chết hàng loạt, nhiều người cho rằng sự cố này là do dịch bệnh Taura. Ông Vũ Đình Đáp cho biết đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được dịch bệnh trên tôm TCT là do chủng Taura hay không? Việc này phải có quá trình kiểm nghiệm chính xác. Tình trạng tôm chết hàng loạt thời gian qua có thể là do các địa phương chưa kiểm tra chặt chẽ ao nuôi và vệ sinh nuôi thả, thậm chí các địa phương hướng dẫn người dân nuôi nhưng không bám thực tế, hướng dẫn suông nên nhiều người dân thấy lợi nhuận kinh tế và cứ ồ ạt nuôi. Giữa quy hoạch nuôi trồng và thực tế không ăn khớp với nhau dẫn đến việc kiểm tra vệ sinh quy chuẩn nuôi không đảm bảo. Đó là nguyên nhân làm cho dịch bệnh tràn lan trên vật nuôi.

“Trước đây, Bộ Thủy sản (cũ) đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được tiến hành sản xuất giống tôm TCT chung với tôm sú và các giống tôm khác” - ông Đáp cho biết thêm.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết quan điểm của Bộ là vẫn tiếp tục cho nuôi tôm TCT. Trước khi Thông tư 22 được ban hành, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Bộ TN&MT đưa tôm TCT ra khỏi danh sách cảnh báo nguy cơ gây hại môi trường, hệ sinh thái xung quanh. Thế nhưng Bộ TN&MT vẫn đưa loài vật nuôi này vào danh sách cảnh báo, gây ra tác động không tốt đến tâm lý người nuôi. Bộ TN&MT đã có ý kiến hai bộ sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất vấn đề này.

Theo TRÀ PHƯƠNG - HOÀNG VÂN
Pháp luật TPHCM


Báo cáo phân tích thị trường