Phá vườn dừa để nuôi tôm thẻ chân trắng
Lộc Thuận là một trong 12 xã nằm trong tiểu vùng ngọt hoá của tỉnh Bến Tre. Cơ cấu cây trồng gồm: cây dừa, mía và các loại rau màu. Nhưng gần đây, hoạt động nuôi thuỷ sản nước mặn khiến vùng đất này ngày càng xa dần mục tiêu ngọt hoá. Đặc biệt nhiều vườn dừa rộng 5 – 7ha cũng bị đốn ngã để biến thành ao nuôi tôm. Ông Mai Thiên Phúc, phó chủ tịch UBND xã Lộc Thuận, cho biết, chủ trương của huyện Bình Đại là không chặt phá vườn dừa để nuôi tôm. Theo ông Phúc, địa phương đã triển khai đến từng hộ dân trong việc thực hiện chủ trương này, tuy nhiên, đến nay, xã đã có trên 30ha nuôi thuỷ sản nước mặn, trong đó có khoảng 10ha tôm thẻ chân trắng mới hình thành do phá vườn dừa, đào ao nuôi tôm.
Ông Phụng lo ngại, diện tích nuôi thuỷ sản nước mặn nằm xen lẫn trong vùng ngọt cứ tăng dần, làm phá vỡ quy hoạch, tác động xấu trong quá trình canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng khoan giếng khai thác nước mặn, nuôi tôm thẻ chân trắng giữa vùng ngọt hoá này, cần có văn bản chỉ đạo của tỉnh, bộ chủ quản làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
Ở xã Bình Thới, hiện nay, xã có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 560ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ quay vòng đã đạt mức 410ha. Bà Ngô Thị Thanh Diệu, phó chủ tịch UBND xã Bình Thới, cho biết, địa phương không có quy hoạch vùng nuôi riêng cho tôm thẻ, cũng không ngăn cấm việc mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Do vậy, khi diện tích nuôi tôm phát triển đồng nghĩa với việc thu hẹp dần diện tích đất trồng lúa, trồng dừa tại địa phương. Bà Diệu nói, hơn 500ha mặt nước nuôi tôm hiện tại có tới phân nửa là diện tích trồng dừa trước đây.
UBND tỉnh Bến Tre đang có chủ trương xây dựng dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả giai đoạn 2012 – 2016. Với mục tiêu đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các địa phương triển khai thực hiện trên quy mô 5.000ha. Dự kiến nhà vườn sẽ được hỗ trợ 50% chi phí cây giống, được tập huấn kỹ thuật với tổng kinh phí ước khoảng 12 tỉ đồng. Trong khi đó, nhiều vườn dừa ở các huyện Ba Tri, Bình Đại… đang tiếp tục bị đốn hạ nhường đất cho phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng. Chỉ riêng ở huyện Bình Đại, diện tích nuôi tôm thẻ tới thời điểm này đã đạt 1.000ha – tương đương định hướng quy hoạch đến năm 2020.
Bất chấp kỹ thuật
Bà Ngô Thị Thanh Diệu cho biết, bà cảm thấy có gì đó chưa an toàn khi những biện pháp khuyến cáo người dân về tuân thủ quy trình nuôi của các cơ quan chuyên môn chưa được thực hiện nghiêm túc. Diện tích nuôi đa phần không có ao lắng nước, ao chứa bùn trong quá trình cải tạo ao nuôi. Mọi thứ chất thải hầu như chưa được quản lý tốt mà công khai, hoặc lén lút thải trực tiếp ra kênh rạch. Đây là thực tế phải chấp nhận khi người nuôi đã sử dụng 100% diện tích đất để làm ao nuôi.
Điều đáng lưu ý khác là, trong khi cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi vệ sinh, cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi, đa phần người nuôi thả giống nuôi liên tục 4 – 5 vụ mới thay nước ao.
Có một kinh nghiệm nghe có vẻ phản khoa học khi người nuôi nói rằng, nước trong ao nuôi càng có màu xanh sau vài vụ thu hoạch, khi tái sử dụng nước ao này để thả nuôi tiếp, con tôm càng phát triển nhanh – chỉ cần người nuôi thường xuyên kiểm tra nồng độ NH3 trong nước ao (?) Trong quá trình xử lý đáy ao, thay vì sử dụng vôi bột, có người nuôi theo kinh nghiệm đã sử dụng chế phẩm vi sinh dùng trong hầm vệ sinh tự hoại. Ngoài ra, không chỉ dùng chlorine trong việc xử lý nước trong ao nuôi, có người còn dùng cả loại thuốc sát trùng cực mạnh dùng trong nông nghiệp thả xuống ao và cắt vụ thả giống khoảng một tháng để đảm bảo an toàn cho con giống vụ tiếp sau.
Lợi ích bị đe doạ
Ông Hai Sơn ở ấp 2, xã Bình Thới (huyện Bình Đại) nhiều năm liền “gục ngã” vì con tôm sú. Nợ nần còn đó, nhưng hai năm trở lại đây, ông triệt hạ năm công dừa 25 năm tuổi, cho thu nhập 500.000 đồng/tháng… để đào ao nuôi tôm. Vụ đầu tiên năm 2010, ông Hai Sơn thả 250.000 con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2,6 công đất (2.600m2). Sau 65 ngày nuôi thu 2,1 tấn tôm thương phẩm, kiếm lời gần 100 triệu đồng.
Ông Trần Văn Đức, phó chủ tịch hội Nông dân xã Định Trung (Bình Đại) cho biết, toàn xã hiện có khoảng 650ha nuôi tôm, 70% trong số này là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông Đức, nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển rầm rộ từ đầu năm 2011. Sau vài vụ tôm sú thất bát, nhiều người thử nghiệm với tôm thẻ chân trắng. Kết quả cho thấy, tôm thẻ cho năng suất gấp ba lần tôm sú, dịch bệnh ít hơn, thời gian nuôi chỉ bằng phân nửa tôm sú. Nhờ con tôm thẻ, nhiều người nuôi trả được nợ vay ngân hàng từ các đợt vay nuôi tôm sú thất bại. Theo đại diện UBND xã Định Trung, lợi nhuận thu được của 1.360 hộ nuôi tôm trong toàn xã tính từ đầu năm tới nay đạt mức 122 tỉ đồng.
Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, ngày 1.10 tới đây là thời điểm bắt đầu ngưng thả tôm giống để cắt vụ. Dù vậy, yêu cầu này của ngành có được chấp hành hay không vẫn phụ thuộc vào giá cả tôm nguyên liệu trên thị trường. Hiện tại, giá tôm thẻ loại 100con/kg ở mức giá 70.000 – 80.000đồng/kg, giảm 30.000đồng/kg so vài tháng trước, nhưng nhu cầu con giống vẫn rất cao, khiến giá con giống tăng từ 80.000 đồng/con lên 110.000 đồng/con.
Người nuôi nói, nuôi tôm thẻ chắc ăn, nhưng cũng không ít trường hợp phải đứt vốn phủi tay vì tôm thẻ chân trắng. Ông Huỳnh Thanh Quang ở xã Bình Thới là một ví dụ. Ông Quang nói: “0,3ha tôm thẻ của tui đã đạt kích cỡ 50 con/kg. Ăn tới miệng rồi, nhưng sau một đêm đã “rớt đáy” (chết chìm xuống đáy ao) không còn con nào”. Theo ông Quang, tôm sú thiệt hại còn vớt vát chút đỉnh, còn tôm thẻ chỉ cần qua vài tiếng đồng hồ rớt đáy thì coi như bỏ của, trắng tay. Ở vùng nuôi tôm xã Đại Hoà Lộc, Thạnh Trị… (huyện Bình Đại) diện tích tôm thẻ bị chết đã lên tới hơn 90%.
Ông Lê Phong Hải, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre lo lắng, việc đốn vườn dừa nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, làm vỡ quy hoạch vùng ngọt hoá là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo ông Hải, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân vùng ngọt hoá làm theo quy hoạch, đừng vì lợi ích trước mắt mà “dẫn” mặn đưa tôm thẻ chân trắng về nuôi trong vùng ngọt hoá, hậu quả sẽ khó lường.
Theo SGTT