Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có hàng không bán được, có đặt hàng không dám làm
16 | 08 | 2011
Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ôm thành phẩm tồn kho do không thể cạnh tranh với nước ngoài về giá, trong khi các chi phí đầu vào đều tăng cao.

Ông Võ Trường Thành, tổng giám đốc công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, thực tế từ hội chợ đồ gỗ Las Vegas (Mỹ) mà Trường Thành vừa tham gia ngày 10.8 cho thấy, biểu giá sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang thấp hơn so với hàng Việt Nam.

Không bán được hàng vì giá thành cao

Ông Thành cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch giá này là do chi phí tài chính (lãi vay ngân hàng), nguyên liệu đầu vào và lương công nhân đều tăng cao kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, các thị trường thế giới chỉ chấp nhận tăng giá sản phẩm khoảng 5%. Thực tế này khiến doanh nghiệp không thể có được đơn hàng và nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động.

Theo một ước tính của ông Võ Trường Thành, chủ tịch hiệp hội Gỗ Bình Dương, hiện toàn ngành gỗ có khoảng 2.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 30 – 35% tạm ngưng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng, 45% kinh doanh hoà vốn và chỉ 20 – 25% kinh doanh có lãi.

Theo bà Đỗ Thị Loan, phó chủ tịch hiệp hội Gỗ Bình Dương, hiện nguyên liệu gỗ tăng khoảng 25%, những loại có nhu cầu nhiều mức tăng có thể lên đến 30%, so với năm ngoái. Đáng chú ý, trong thời gian qua, gỗ cao su được xem là nguyên liệu tăng đột biến từ 75 – 100% do các thương nhân Trung Quốc sang gom hàng, đẩy giá lên cao. Giá của loại gỗ này năm ngoái chỉ ở mức 3,5 triệu đồng/m3 hiện đã tăng lên 6,5 triệu đồng/m3. Đối với ván veneer và ván ép nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng khoảng 23% từ 500 USD/m3 lên 620 USD/m3.

Bà Loan cho rằng, thực chất nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Mỹ hay châu Âu chỉ tăng khoảng 10 – 15%, nhưng khi về đến Việt Nam, con số lên đến khoảng 25% do tỷ giá tăng cao so với năm ngoái. Với tình hình mọi chi phí đều tăng cao, đa số doanh nghiệp ngành gỗ hiện phải ôm hàng chịu trận vì không thể cạnh tranh với nước ngoài về giá. “Số lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp hiện chưa được thống kê chính xác, nhưng con số có thể nói là khổng lồ”, bà Loan nói. Bà Loan cho biết thêm, sắp tới, ngành gỗ có thể sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống bán phá giá 32% đối với bộ sản phẩm giường trong phòng ngủ ở thị trường Mỹ.

Có đơn hàng cũng không dám làm

Ông Thành cho biết, dự kiến năm nay lợi nhuận sau thuế của Trường Thành khoảng 110 tỉ đồng. Để có được kết quả này, Trường Thành đã đầu tư trồng rừng từ những năm trước nên chủ động được 30% nguồn nguyên liệu. Điều này đã giảm bớt nguy cơ từ những rủi ro khách quan từ bên ngoài. Tuy nhiên, số doanh nghiệp làm được điều này không nhiều, do đó họ gặp khó khăn khi nguồn nguyên liệu tăng cao là điều dễ hiểu. Theo ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), trước tình hình lãi suất tăng cao từ đầu năm, hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ đều không dám vay vốn để trữ nguyên liệu, nên hiện nay phải chấp nhận mua nguyên liệu giá cao để sản xuất. Ông Mạnh cho rằng, từ giờ tới cuối năm đơn hàng sẽ rất nhiều, nhưng nếu mua nguyên liệu với giá hiện nay thì cầm chắc lỗ.

“Với tình hình này, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua không có tác dụng gì cả... Điều chúng tôi cần trong lúc này là lãi suất hợp lý để có thể duy trì sản xuất”.

Đỗ Thị Loan,
phó chủ tịch hiệp hội Gỗ Bình Dương

Theo tính toán của ông Thành, trung bình chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp ngành gỗ tăng khoảng 22%, khiến hàng của Việt Nam mất sức cạnh tranh so với hàng của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Trong khi đó, bà Loan cho biết, với tình hình khó khăn như hiện nay, hiện ở địa bàn Bình Dương có khoảng 30% doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phải tạm ngưng hoạt động vì có hàng mà không dám xuất. Đối với mặt hàng gỗ ngoài trời, ở Bình Định, có đến 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải ngưng hoạt động vì không có đơn hàng để sản xuất.

Theo bà Loan, mặt bằng lãi suất ở những nước lân cận trong khu vực chỉ nằm ở mức 4%/năm, trong khi lãi suất của Việt Nam hiện ở mức 8,5%/năm cho ngoại tệ và 24%/năm đối với tiền đồng. “Với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp làm chỉ đủ nuôi ngân hàng. Như vậy sao chúng ta cạnh tranh nổi?”, bà Loan nói. Ngay cả việc cạnh tranh trên sân nhà, các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng yếu thế, do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế rất lớn về nguồn vốn rẻ.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường