Hiện nay, tôm chân trắng chiếm đến 90% tổng khối lượng XK của công ty. 7 tháng đầu năm nay, Vina Cleanfood đã XK 2.300 tấn tôm thành phẩm với tổng trị giá 25 triệu USD, trong đó Nhật Bản là thị trường NK nhiều nhất, chiếm đến 70% tổng giá trị.
Năm nay giá tôm sú rất cao và thất thường, nguồn cung không ổn định. Riêng vụ 1, tỉnh Sóc Trăng có tôm bị chết trên gần 90% tổng diện tích nuôi. Đến nay, nhu cầu mặt hàng tôm sú trên thế giới vẫn lớn nhưng DN không đủ nguyên liệu để chế biến.
Chính tại thời điểm này, tôm chân trắng là giải pháp tốt nhất của nhiều DN XK tôm tại ĐBSCL, không riêng gì Vina Cleanfood. Để chế biến tôm chân trắng, nhà máy phải tuyển thêm nhiều lao động do cỡ tôm nhỏ và khó làm. Nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động, ổn định sản xuất kinh doanh, DN XK tôm vẫn phải chọn phương án bù đắp tôm chân trắng vào cơ cấu hàng XK mặc dù lợi nhuận thu được từ sản phẩm này ít hơn nhiều so với tôm sú. “Trong hoàn cảnh này, không có tôm chân trắng cho chế biến thì toàn bộ nhà máy chế biến tôm tại ĐBSCL buộc phải đóng cửa”, ông Phục nói.
Thời gian tới, Vina Cleanfood cần tuyển thêm nhiều công nhân làm việc tại nhà máy nhưng vấn đề thiếu lao động có tay nghề vẫn là bài toán khó. Hiện nay, ngoài việc tăng lương và ổn định thu nhập cho cán bộ công nhân viên, (lao động có tay nghề được trả lương hơn 4 triệu đồng/tháng), công ty còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút lao động. Tháng 8/2011, Vina Cleanfood là DN đầu tiên tại Khu công nghiệp An Nghiệp xây nhà tập thể cho công nhân với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Theo Vasep