Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguyên nhân thịt ngoại lấn sân
16 | 08 | 2011
Xu hướng thịt ngoại thâm nhập vào thị trường trong nước, trong đó có thịt lợn, đang ngày càng gia tăng ở cả hình thức nhập lậu lẫn chính ngạch, trong khi ngành chăn nuôi vẫn lúng túng như "gà mắc tóc". Cơ hội "lấn sân" của thịt ngoại ngày càng rõ, vậy ai đã tạo ra cơ hội này cho thịt ngoại và đẩy thịt nội rơi vào cảnh "đuối" dần?
Thịt ngoại âm thầm "tấn công"
Theo quy luật thị trường, có cầu ắt có cung nên dù Bộ Công Thương không ra bất kỳ văn bản nào khuyến khích hay cho phép nhập khẩu thịt lợn nhưng trong 5 tháng đầu năm nay, đã có gần 54.000 tấn thịt (chủ yếu là thịt gia cầm) được nhập vào nước ta. Lượng nhập khẩu phụ phẩm từ gia súc, gia cầm cũng liên tục tăng, đặc biệt tăng mạnh trong hai tháng 6-7. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, chỉ từ đầu tháng 7 tới nay, mỗi ngày có khoảng 24-25 tấn thịt lợn hơi nhập lậu qua cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, trong khi tỉnh này mới kiểm dịch được 50% số chuyến hàng động vật xuất khỏi tỉnh và chưa kiểm soát được động vật nhập vào. Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2011, lực lượng chức năng đã bắt giữ trên 60 vụ, thu giữ, tiêu hủy trên 80 tấn gia cầm, gần 70.000 con gà, vịt giống, trên 50.000 quả trứng gia cầm, 75 tấn cánh gà đông lạnh... không rõ nguồn gốc.
Qua thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì từ ngày 15/7/2011, Việt Nam đã nhập 6.436 con trâu, bò sống bằng đường tiểu ngạch từ Campuchia và 755 con trâu, bò qua đường chính ngạch từ Thái Lan. Ngoài ra, có khoảng 170 tấn thịt lợn nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn và 4 tấn gà loại thải nhập lậu qua đường biên giới tỉnh Quảng Ninh từ Trung Quốc. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 7.967 tấn thịt gia súc, gia cầm đông lạnh qua đường chính ngạch từ Hoa Kỳ, Canada, New Zealand...
Đáng chú ý là, các tháng trước, doanh nghiệp nhập rất ít thịt lợn thì tháng này, lượng nhập về tăng lên 1.000 tấn. Ngoài thịt vai, ba rọi, doanh nghiệp bắt đầu nhập về cả các sản phẩm cao cấp chuyên cung cấp cho các nhà hàng như xương sườn, sườn non,…
Vì sao thịt ngoại len chân?
Theo Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn trong nước đã tăng trở lại, hiện đạt 26,46 triệu con. Khối lượng thịt các loại 6 tháng đầu năm đạt 1,68 triệu tấn, trong đó có tới 99,8% sử dụng nội địa, vậy nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao chót vót (ví dụ thịt cốt lết 100.000 - 120.000 đồng/kg), giá con giống cũng tăng cao chưa từng có (60.000-67.000 đồng/kg) và có sự mất cân đối giữa thị trường Nam - Bắc (giá thịt lợn ở miền Bắc đang cao hơn miền Nam 20.000 đồng/kg)... Có tới 80% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang bỏ trống chuồng trại, chưa kể sản lượng thịt của các trang trại, công ty lớn cũng sụt giảm do gặp khó khăn về vốn, dịch bệnh... Do vậy, không quá khó hiểu trước tình trạng thịt ngoại lấn sân trên thị trường nội địa.
Để giảm sức "nóng" của nhu cầu thực phẩm từ thịt lợn, Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gia cầm, thịt bò… và khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển đàn gia cầm. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn bỏ chuồng vì giá con giống gia cầm tăng tới 300% so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể 1 con gà giống 1 ngày tuổi đang ở mức 26.000 - 27.000 đồng (trong khi năm ngoái chỉ 7.000 - 9.000 đồng/con), giá lợn giống cũng tăng 5-6 lần nênviệc tái đàn rất chậm.
Rõ ràng ngành chăn nuôi đang mất dần sức hút, sản lượng sản xuất ngày càng không đủ đáp ứng, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng mạnh. Dự báo, trong một vài tháng tới, nếu người chăn nuôi có mạnh dạn đầu tư cũng không thể hy vọng thực phẩm có giá thấp chứ chưa nói đến việc họ có dám đổ tiền vào chăn nuôi hay không khi dịch bệnh đang đe dọa và giá đầu vào đang cao ngất ngưởng như hiện nay.
Để xảy ra tình trạng trên, liệu có phải do năng lực quản lý của ngành chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất? Các cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho chăn nuôi còn dàn trải, ít và kém hiệu quả? Người chăn nuôi chưa biết liên kết với nhau và chưa có được cơ hội liên kết, trao đổi thông tin...
Trên thực tế, trong cơn "hoạn nạn" của ngành chăn nuôi lợn vẫn có một số tỉnh, thành phố "bình yên vô sự" như TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng...; vẫn có nhiều nông dân nuôi lợn đạt lợi nhuận cao. Vậy tại sao chúng ta không tìm biện pháp cho ngành bắt đầu từ những kinh nghiệm của các đại diện đó?
Trước hết, về đường lối, định hướng, không nên nóng vội bỏ qua chăn nuôi nhỏ lẻ để nhanh chóng thành lập chăn nuôi tập trung, vì chăn nuôi nhỏ vẫn đang chiếm tới 80% tổng số hộ chăn nuôi nước ta. Cần có biện pháp hỗ trợ thích hợp cho chăn nuôi nhỏ phát triển, đặc biệt về cách thức tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài. Cải tiến kênh phân phối thực phẩm và thói quen tiêu dùng của người dân...
Một việc quan trọng cần làm ngay là, nhất thiết phải có giải pháp mạnh để nâng cao năng lực quản lý (dự báo, chỉ đạo sản xuất, tham mưu...) của ngành chăn nuôi, thú y.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường