Siêu thị vẫn ưu tiên hàng nội
Bà Trương Thị Yến- Giám đốc Cty TNHH Thực phẩm Hòa Hợp Á châu (HHAFCO) có trụ sở tại Q.3, TPHCM cho biết kể từ tháng 10-2011, Cty bắt đầu nhập các loại thực phẩm từ Ý, Canada về phân phối tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm nhập khẩu chính gồm các loại nước ép trái cây nguyên chất, trái xay nhuyễn, dầu ôliu, rau quả… ở các dạng đóng hộp, đóng chai, đông lạnh và tươi nguyên.
Bà Yến cũng cho biết thời gian đầu, mỗi tháng nhập 1 container sau đó sẽ tăng dần theo nhu cầu khách hàng. Cty TNHH thực phẩm Tốt Lành (Goodfood) có thâm niên và được xem là nhà nhập khẩu, cung cấp thực phẩm ngoại nhập hàng đầu tại TPHCM.
Hiện, Goodfood nhập khẩu khoảng 200 dòng sản phẩm gồm các loại thịt, thủy hải sản, rau củ quả tươi cũng như đã qua chế biến, các loại dầu thực vật, bánh ngọt, cà phê… của trên 20 nhãn hàng, trong đó chủ yếu của các nước Âu-Mỹ và Úc.
Đại diện Cty CP TM-DV-SX Hương Thủy, nhà nhập khẩu sữa và thực phẩm lớn, cũng cho biết doanh số nhập khẩu của Cty tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Theo các nhà nhập khẩu, phần lớn những sản phẩm nhập khẩu là những mặt hàng cao cấp và được phân phối trong các khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa và thậm chí ở cả hệ thống nhà thuốc. Bà Trương Thị Tố Loan- Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm khô hệ thống siêu thị BigC xác nhận, số lượng các nhà nhập khẩu, cung cấp hàng ngoại nhập đến chào hàng tại BigC ngày càng nhiều, song BigC có những tiêu chí phục vụ khách hàng riêng nên đã phải
từ chối.
Đại diện của hệ thống siêu thị Coop Mart cũng cho biết phải “gạt” rất nhiều nhà cung cấp sản phẩm ngoại để ưu tiên hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, điều đó cũng đủ cho thấy việc thực phẩm các nước Âu-Mỹ thâm nhập thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng mạnh.
Một thành viên HĐQT hệ thống nhà hàng lẩu-nướng Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Xu hướng sử dụng thực phẩm ngoại nhập dạng nguyên liệu và bán thành phẩm từ các nước Âu-Mỹ ngày càng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Thịt heo, bò Mỹ, châu Âu thăm dò lấn sân
Các chuyên gia thị trường cũng cho rằng, sở dĩ hàng thực phẩm ngoại nhập từ các nước Âu-Mỹ-Úc tràn vào thị trường Việt Nam (cũng như một số nước khác trong khu vực) ngày càng nhiều do suy thoái kinh tế, tiêu thụ trong nước suy giảm nên buộc các nước nói trên phải tìm cách tìm kiếm thị trường bên ngoài.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm cao cấp của người dân Việt Nam ngày càng tăng. Thêm vào đó, theo ông Bùi Minh Huệ, Giám đốc công ty Sao Việt, một nhà phân phối tại TPHCM, mặc dù kinh tế khó khăn và tỉ giá tăng cao nhưng các nhà nhập khẩu, cung cấp lớn vẫn có thể cầm cự, giữ được thị trường bởi trường vốn; và là người quyết định giá cả thị trường với những mặt hàng nhập khẩu.
Theo dự báo của các chuyên gia, thực phẩm từ các nước nói trên vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi sự gia tăng các hoạt động tiếp thị quy mô lớn của chính phủ một số quốc gia. Trong số 373 công ty tham gia triển lãm Food & Hotel 2011 cuối tháng 9 vừa qua tại TPHCM, có đến 74% là các công ty quốc tế.
Đáng chú ý nhất trong dịp này có sự hiện diện của 2 đoàn thương mại nông nghiệp đến từ Hoa Kỳ và Đức. Đoàn thương mại nông nghiệp Hoa Kỳ gồm 15 DN do ông Michael Scuse - Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp dẫn đầu tìm kiếm thị trường (Việt Nam) cho các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp. Trong đó, mục tiêu cụ thể là muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam xuất khẩu các loại trái cây như dâu tây, lê, táo và các sản phẩm thịt heo, bò, gà…
Tương tự, Tổ chức các nhà sản xuất thịt châu Âu (UPEMI) cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo và thịt bò của các nước EU vào Việt Nam. Không chỉ đưa sản phẩm sang Việt Nam, các DN Đức còn tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam với nhiều hình thức khác, như liên danh liên kết sản xuất tại Việt Nam dưới thương hiệu của các tập đoàn Đức.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức- Tiến sĩ Rober Kloos hé lộ, DN Đức sẽ hợp tác với 1 đơn vị sản xuất tại Hà Nội để sản xuất xúc xích mang thương hiệu và tiêu chuẩn Đức bán tại thị trường Việt Nam.
Theo một vị thành viên HĐQT hệ thống nhà hàng lẩu-nướng Nhật Bản tại Việt Nam, người tiêu dùng sẽ rất đắn đo khi ra chợ hay vào siêu thị mua thịt bò ngoại nhập giá cao, nhưng lại rất sẵn lòng vào nhà hàng ăn món thịt bò đó.
Bà Quỳnh Thảo, nhà ở đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận (TPHCM) cũng thừa nhận, với mức giá cao hơn thịt bò trong nước khoảng 100 nghìn đồng/kg thì đa phần các bà nội trợ khó chấp nhận thịt bò Úc. Tuy nhiên, khi vào nhà hàng, cũng người nội trợ đó lại dễ dàng chấp nhận các món chế biến từ thịt bò với giá không mấy dễ chịu. Và, đó chính là lý do thịt bò và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác có đất sống.
|
Theo Đại Dương
Báo Tiền phong