Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 8/2011 ước đạt 254 nghìn tấn, đưa sản lượng khai thác thủy sản 8 tháng đầu năm đạt 1.730 nghìn tấn, tăng xấp xỉ 1% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó khai thác biển đạt 1.619 nghìn tấn.
Các tỉnh có sản lượng khai thác 8 tháng đầu năm đạt khá là Bình Định 95.300 tấn (trong đó cá ngừ 3.870 tấn, tăng 13,82 % so với cùng kỳ năm 2010), Bình Thuận 112.410 tấn, Bà Rịa-Vũng Tàu 181.512 tấn, Kiên Giang 268.237 tấn, Cà Mau 106.364 tấn.
Nuôi trồng thủy sản trong 8 tháng đầu năm tăng khá do việc nuôi cá và thủy sản khác với nhiều hình thức nuôi kết hợp đang tiếp tục phát triển trên cả nước. Ước sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 8 đạt 282 nghìn tấn, đưa sản lượng nuôi trồng thủy sản 8 tháng đạt 1.845 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó riêng sản lượng cá tra ước đạt 704,7 nghìn tấn. Các tỉnh có sản lượng cá tra nuôi đạt khá là Đồng Tháp 208,8 nghìn tấn, An Giang 157,2 nghìn tấn, Cần Thơ 99,1 nghìn tấn, Bến Tre 85 nghìn tấn, Vĩnh Long 78,7 nghìn tấn.
Chỉ có 30% sản lượng khai thác đủ tiêu chuẩn chế biến XK
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, sản lượng đánh bắt tăng khá và được mùa, chủ yếu do thời tiết biển tương đối thuận lợi, nhiều tàu thuyền bám biển dài ngày…Tuy nhiên, ngư dân ít có lợi nhuận do giá nhiên liệu cao đã đẩy chi phí chuyến biển tăng lên và DN vẫn không có đủ nguyên liệu chế biến.
Làm việc với cán bộ cảng cá Tiên Sa ở Đà Nẵng và cảng cá Hòn Rớ ở Nha Trang, đoàn cán bộ VASEP đều nhận được thông tin là sản lượng khai thác cập cảng tăng so với năm trước. Ban quản lý của 2 cảng cá này đều cho biết sản lượng khai thác thực tế của 2 tỉnh này thấp hơn so với năm trước; sản lượng cập cảng tăng chủ yếu nhờ các tàu đánh bắt của các tỉnh lân cận. Trong đó, theo ước tính của các cán bộ quản lý cảng, sản lượng có thể thu mua để XK được chỉ chiếm 30 – 40%, còn lại là cá nhỏ cho tiêu thụ nội địa, hoặc không đủ chất lượng XK, hoặc chỉ là cá phân, cá đổ. Nguyên nhân do nguồn lợi ven bờ cạn kiệt, đa số các tàu khai thác công suất nhỏ, chi phí đầu vào chỗ mỗi chuyến đánh bắt (xăng, dầu. nhu yếu phẩm…) tăng và phương pháp bảo quản chưa tốt. Ví dụ, theo ông Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, phụ trách cảng cá Hòn Rớ, sản lượng cá ngừ đại dương không tăng, thậm chí các loài cá ngừ khai thác bằng lưới cản giảm vì đa số được khai thác ở xa bờ (sát vùng biển Inđônêxia, Trung Quốc, Brunây và các nước khác) còn ở vùng biển Việt Nam có rất ít do vào mùa cá di cư.
Không thể cạnh tranh mua nguyên liệu với thương lái Trung Quốc
Với con số ít ỏi sản lượng cập cảng có thể thu mua để chế biến XK, DN thủy sản cũng khó có thể thu mua được bởi sự cạnh tranh của đội quân nậu vựa phục vụ cho thương lái Trung Quốc. Ông Dũng cho biết, 2 năm trước thương lái Trung Quốc hoạt động mạnh ở cảng Hòn Rớ, nhưng sau đó người dân ở đó không làm ăn với họ do họ có sự gian lận, lừa dối trong thanh toán. Hiện người Trung Quốc tập trung ở cảng Vĩnh Lương, trung bình mỗi ngày ít nhất có 4 thương lái thường xuyên có mặt để trực tiếp thu mua thủy sản, chủ yếu là cá hố với khối lượng trung bình khoảng 1 - 2 tấn.
Tại cảng cá Tiên Sa (Đà Nẵng) theo ước tính của Ban Quản lý cảng cá, có tới 10 thương lái TRung Quốc thường xuyên thu mua để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Đối với thủy sản nuôi như tôm, các DN Việt Nam cũng bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh khiến giá nguyên liệu tăng vọt. Một DN ở Nha Trang cho biết, gần đây thương lái Trung Quốc đến tận các đìa nuôi tôm ở miền Trung và miền Tây trực tiếp thu mua với khối lượng lớn, đưa tiền mặt, đóng thùng lên xe tải, đưa đi mà không cần có bất kỳ loại chứng từ hồ sơ nào!?
Bên cạnh đó, đối với XK tôm, chủ yếu tập trung vào 2 sản phẩm tôm sú và tôm chân trắng, nhưng năm nay nguồn cung tôm sú sụt giảm mạnh do dịch bệnh, dẫn đến tình trạng các DN đổ xô sang tôm chân trắng, gây ra sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu tôm chân trắng.
Theo Vasep