Hoang phí khiến Philippines không tự cung cấp đủ gạo
Theo Viện nghiên cứu gạo Philippines (PhilRice), khi xét đến nhu cầu tự cung cấp đủ gạo, điều đầu tiên mà nước này cần làm là phải giảm hoang phí trong việc tiêu dùng gạo tại gia đình. Dữ liệu do PhilRice thu thập cho thấy, mỗi người dân Philippines hoang phí khoảng 3 thìa cơm mỗi ngày và nếu gạo không bị tiêu dùng hoang phí thì nước này có thể tiết kiệm được đến 230 triệu USD hàng năm và 4,3 triệu người Philippines sẽ không bị đói. Tháng 11 được coi là Tháng hành động ý thức về gạo quốc gia. Và PhilRice sẽ tổ chức một sự kiện dài trong tháng này để thúc đẩy và tuyên truyền cách sử dụng gạo hợp lý, bao gồm cả phát hành Rice Manga, một quyền sách dành cho thanh thiếu niên về sử dụng gạo tiết kiệm.
Singapore chuẩn bị để đối phó với giá gạo Thái tăng
Singapore không thể tránh được hoàn toàn tình trạng bất ổn trong nhập khẩu gạo, khi xét đến thị trường thế giới không thể dự đoán trước và tình hình lũ lụt hoành hành tại vành đai lúa gạo châu Á, đặc biệt là Thái Lan.
Tuy nhiên, những nhà chức trách nước này cho biết Singapore hy vọng có thể làm giảm mức tăng giá mạnh và gián đoạn nguồn cung từ Thái Lan bằng cách đa dạng hóa nguồn cung cấp, duy trì chính sách dự trữ hợp lý và tuyên truyền người tiêu dùng về những loại gạo thay thế cho gạo thơm – loại gạo người dân nước này ưa chuộng. Hiện, khoảng một nửa kim ngạch nhập khẩu gạo của Singapore từ Thái Lan, mặc dù nước này cũng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, Ấn Độ và Mỹ.
Hàng năm, Singapore nhập khẩu khoảng 300 ngàn tấn gạo.
Các nhà xuất khẩu gạo Pakistan cần đóng gói bao bì tốt hơn
Những nhà xuất khẩu gạo Pakistan được khuyến nghị nên sử dụng vật liệu đóng gói gạo tốt hơn để tránh những quy định ngặt nghèo của Mỹ. Pakistan Economy Watch (PEW) đã yêu cầu những nhà xuất khẩu Pakistan sử dụng một loại túi làm từ sợi đay để xuất khẩu.
Thông thường, nhiều nhà xuất khẩu đóng gói gạo trong những túi cói dễ bị vật hại tấn công, thu mua từ các nhà máy xay xát bột. PEW cảnh báo những quy định ngặt nghèo mà Mỹ và EU đang áp dụng, nếu những nhà xuất khẩu Pakistan không hợp tác để cải thiện công đoạn đóng gói.
Hơn nữa, PEW cũng cho biết các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang cạnh tranh ngày càng gắt gao và Pakistan sẽ phải nỗ lực để đạt được mục tiêu xuất khẩu 4 triệu tấn gạo trong năm 2011.
Ấn Độ có thể áp thuế 70% lên gạo nhập khẩu
Nguồn cung gạo tại Ấn Độ đang rất dồi dào và nước này vừa quyết định sẽ quay trở lại mức thuế nhập khẩu gạo tương đương năm 2002, ở mức 70% thuế nhập khẩu gạo bắt đầu từ tháng 11. Mức thuế cao này đã được Ấn Độ áp đặt năm 2002 và dỡ bỏ vào tháng 10/2009 để đối phó với tình trạng mùa vụ thất bát, đẩy giá gạo nội địa tăng cao vào năm đó.
Các nhà chức trách đang lo ngại rằng các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đang thu mua gạo nhập khẩu rồi tái xuất, thay vì xay xát và xuất khẩu gạo nội địa, sau khi Ấn Độ vừa cho phép xuất khẩu gạo non-basmati do nguồn cung gạo dư thừa.
Mỹ hy vọng có thể xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Mỹ có thể sẽ sớm xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, theo một tập đoàn thương mại gạo nước này cho biết vào ngày 24/10. Tập đoàn này cho biết dự thảo về kiểm định giữa Mỹ - Trung Quốc đang ở những giai đoạn cuối cùng. Các nhà chức trách Trung Quốc đã thăm những bang sản xuất gạo của Mỹ khoảng 1 tháng trước đây và bàn bạc về những vấn đề liên quan đến thương mại với USDA.
Trước đó, giá gạo tương lai của Mỹ đã tăng 3%, lên mức cao nhất trong 1 tháng qua khi tình hình lũ lụt tại Thái Lan có thể khiến Trung Quốc phải nhập khẩu gạo từ Mỹ mặc dù những nhà chức trách cho rằng việc Mỹ xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là không thể.
Philippines chuyển gạo từ Mindanao sang Luzon
Khoảng 10% sản lượng gạo từ đảo Mindanao, miền Nam Philippines, sẽ được vận chuyển sang đảo Luzon, ở phía Bắc Philippines, hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hàng loạt những cơn bão lớn.
Theo điều phối viên Chương trình gạo quốc gia, điều này sẽ đảm bảo nguồn cung gạo ổn định cho khu vực đang chịu thiệt hại nặng nề của thảm họa. Các nhà chức trách Philippines đã đi thăm các khu vực chịu thiệt hại ngày 24/10 để khảo sát thiệt hại gây ra bởi hai cơn bão Nesat và Nalgae. Ước tính một phần cho thấy các cơn bão đã gây thiệt hại khoảng 750 ngàn tấn gạo tại các khu vực này.
Sri Lanka muốn xuất khẩu gạo nhiều hơn sang châu Phi
Tổng thống Sri Lanka vừa có cuộc đàm phán thành công trong việc xuất khẩu thêm gạo sang châu Phi. Gần đây, nước này đã xuất khẩu 250 ngàn tấn gạo sang Nigeria.
Sri Lanka đang có kế hoạch xuất khẩu lương thực và Triposha (một hỗn hợp giữa 40% ngô và đậu tương Sri Lanka với 60% ngô, sữa bột khô, khoáng và vitamins Mỹ) sang các nước châu Phi theo chương trình viện trợ của UN.
PhilRice thông báo về công nghệ hiện đại giúp tăng năng suất
PhilRice lên kế hoạch tổ chức một buổi lễ vào tháng 11 để công bố một công nghệ mới giúp tăng sản lượng và năng suất gạo. Buổi lễ dự kiến tổ chức tại công viên Rizal tại Manila nhằm giải thích về những lợi ích của công nghệ mới so với công nghệ truyền thống.
PhilRice cho biết những công nghệ hiện đại có thể giúp tăng sản lượng 6 – 7 lần so với công nghệ cũ và buổi lễ cũng giúp noogn dân ý thức hơn về công nghệ hydrid như Mistiso đã phát triển trong nhiều năm qua. Mặc dù công nghệ mới yêu cầu phải mua giống mới khi vụ mới bắt đầu nhưng PhilRice cho biết nông dân sẽ thu lợi nhuận lớn từ vụ hybrid và đủ tiềm lực để tái đầu tư.
Theo Oryza