Ông Lê Thành Kiệt ở ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết: “Sau khi thu hoạch xong vụ tôm, giá nguyên liệu cứ liên tục tăng nên nông dân chúng tôi ai cũng tranh thủ dọn bùn đáy ao, lấy nước thả nuôi tiếp vụ thứ 2 trong năm. Thế nhưng, tôm mới thả nuôi chưa được bao lâu thì bị chết gần như hoàn toàn”.
Đua nhau “né lịch” ngắt vụ
Đầu tháng 9, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành chỉ thị số 14/CT-UBND về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TTCT) năm 2012 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, kể từ ngày 1-10-2011 đến ngày 15-1-2012, tất cả các tổ chức cá nhân nuôi tôm trong tỉnh không được thả nuôi tôm sú và TTCT.
Tuy nhiên, với mức lợi nhuận khá hấp dẫn, từ 400-500 triệu đồng/héc ta (đã trừ chi phí), bà con nông dân nuôi tôm sú và TTCT tại huyện Tân Phú Đông đã tranh thủ “né lịch” ngắt vụ, thả nuôi trước ngày 1/10 (thời gian chỉ thị ngắt vụ có hiệu lực) từ 10-15 ngày. Nhưng gần như toàn bộ diện tích thả nuôi đợt 2 này bị thiệt hại hoàn toàn.
Anh Nguyễn Văn Phước ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, vụ tôm thứ 2 của gia đình anh xuống giống vào ngày 15/9 (dương lịch), tức trước chỉ thị ngắt vụ 15 ngày. Vụ này anh thả được 1 héc ta TTCT, khoảng 1 tuần đầu, tôm nuôi phát triển rất tốt, nhưng khi tôm vào giai đoạn được 10-15 ngày tuổi bỗng dưng xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt.
Khi người viết hỏi: “Anh có biết thông tin ngành nông nghiệp Tiền Giang ra chỉ thị ngắt vụ từ 1/10/2011 đến 15/1/2012 không?”. Anh Phước nói: “Thú thật là tôi có nghe anh em bên ngành nông nghiệp huyện thông báo về thời gian ngắt vụ. Nhưng giá tôm cao quá thấy mà ham, đánh liều nuôi, ai ngờ tôm chết hết”.
Cũng vì thả nuôi “né lịch” ngắt vụ mà gia đình ông Lê Thành Kiệt có đến 5 công đất (5.000 m2) nuôi TTCT bị thiệt hại hoàn toàn.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tính đến nay Tiền Giang có 507 hộ vi phạm chỉ thị ngắt vụ nuôi tôm với diện tích vi phạm trên 342 héc ta, tăng 254 héc ta so với năm 2010, chủ yếu tập trung ở các xã trong huyện Tân Phú Đông.
Ông Mai Thành Lộc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Tiền Giang thì cho biết, hiện tại trung tâm vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về diện tích vi phạm chỉ thị ngắt vụ nhưng số lượng vi phạm sẽ không ít.
“Giá tôm tăng cao, lợi nhuận thu được nhiều là nguyên nhân khiến bà con đẩy mạnh thả nuôi vụ thứ 2 trong năm, bất chấp thời gian ngắt vụ lúc đó đã cận kề”- ông Lộc cho biết thêm.
Tiền mất, tôm không còn
Ông Mai Thành Lộc cho biết, việc ra chỉ thị ngắt vụ nuôi tôm của UBND tỉnh Tiền Giang nhằm tạo điều kiện để bà con có thời gian xử lý bùn đáy ao, xử lý nguồn nước nuôi tôm, đặc biệt có thời gian cách ly mầm bệnh trong điều kiện dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát mạnh ở ĐBSCL trong những tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà nhiều hộ nuôi tôm đã tranh thủ chạy đua thả nuôi để “né lịch” khuyến cáo, dẫn đến những hệ lụy xấu như hiện nay là “tiền mất, tôm không còn”.
Ông Lê Thành Kiệt cho biết, với 5.000 m2 diện tích nuôi TTCT bị thiệt hại (30 ngày tuổi), sau khi trừ đi các khoản chi phí về con giống, tiền cải tạo ao nuôi, thuốc xử lý nguồn nước, thức ăn… coi như bay mất 65-70 triệu đồng.
“Tính làm thêm một vụ nữa để kiếm thêm số vốn, nhưng vốn đâu không thấy, chỉ thấy mất luôn cả số vốn dành dụm được”- ông Kiệt nói.
Anh Lê Thành Phúc ở ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông nói: “Theo tôi biết, mỗi công đất (1.000 m2) nuôi tôm, đối với ao tôm nuôi ở giai đoạn 30 ngày tuổi, bà con tốn ít nhất từ 25-30 triệu đồng tiền đầu tư, bao gồm tiền con giống, xử lý ao nuôi, tiền thuốc ngừa bệnh, thức ăn. Hộ nào bị thiệt hại coi như mỗi công đất mất 25-30 triệu đồng”.
Không chỉ anh Kiệt, hàng trăm hộ dân nuôi tôm khác của huyện Tân Phú Đông cũng gặp rất nhiều khó khăn do tôm nuôi bị chết hàng loạt.