Giá cao su trung bình hiện đạt khoảng 1,87-2,08 USD/kg, tăng 1,70 USD/kg so với cuối năm 2006. Cụ thể giá cao su RSS3 của Thái Lan giao kỳ hạn tháng 2/2007 hiện 2,08 USD/ kg trong khi giá cao su Malaysia là 1,99 USD/ kg. Tuy nhiên, giá này vẫn thấp hơn so với 2,5 USD hồi giữa năm ngoái. Giá cao su dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong năm nay do nhu cầu ở châu Á đang tăng mạnh, nguồn cung tăng yếu và giá cao su tổng hợp cao, giá có thể sẽ tăng 15% vào giữa 2007 so với hiện nay. Sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2007 dự kiến sẽ chỉ tăng 3,08% lên 9,36 triệu tấn. Sản lượng của 7 nước sản xuất cao su chính trên thế giới (Ấn Độ, Inđônêxia, Malaysia, Papua New Guinea, Srilanka, Thái Lan và Việt Nam) dự báo tăng 2% đạt 8,09 triệu tấn vào năm 2007 chủ yếu nhờ sản lượng tăng ở Việt Nam, thêm 7,4% đạt 580.000 tấn vào năm 2007 so với mức 540.000 tấn trong năm nay. Sản lượng cao su Indonexia năm 2007 dự kiến sẽ giảm 2-3% so với năm 2006, xuống còn khoảng 1,9 triệu tấn do ảnh hưởng bởi các cơn mưa lớn diễn ra tại phía bắc đảo Sumatra. Sản lượng cao su nước này dự kiến sẽ tăng gần 30% trong 10 năm tới với chương trình hỗ trợ của Chính phủ, sẽ bắt đầu từ năm 2007.
Trong khi đó, nhu cầu được dự báo tăng trong bối cảnh ngành ô tô phát triển bùng nổ ở những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ hay Trung Quốc. Cao su được sử dụng để sản xuất mọi thứ, từ lốp xe tới găng tay. Sản lượng ô tô và xe tải ở Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, đã tăng 25% trong năm 2006.
Nhìn lại năm 2006, sản lượng cao su của Inđônêxia đã giảm 50.000 tấn so với mục tiêu 2,2 triệu tấn do mưa lớn trong những tháng cuối năm. Indonexia hiện là nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, sau Thái Lan (2,8 triệu tấn) nhưng trước Malaysia (1,1 triệu tấn). Malaysia đã sản xuất 190.494 tấn mủ cao su đặc, trong khi tiêu thụ sản phẩm cao su làm từ mủ lên tới 303.482 tấn. Phần thiếu cung được đáp ứng bằng cao su nhập khẩu từ Thái Lan. Chính phủ Malysia hy vọng ngành cao su nước này có thể đảm nhiệm việc trở thành nguồn cung mủ cao su chính cho các ngành sản xuất sản phẩm cao su trong nước. Để chuẩn đạt được mục tiêu này, ngành cao su phải trồng lại những diện tích cao su già cỗi, sử dụng giống cao su có năng suất cao. Tuy nhiên, Malaysia sẽ tiếp tục phải nhập khẩu cao su thêm một thời gian nữa để đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà máy chế biến cao su công suất lớn cũng như chế biến và tái xuất khẩu cao su nhập khẩu.
Thái Lan, Indonexia và Malaysia chiếm khoảng 70% sản lượng cao su thế giới. Các nhà sản xuất cao su Indonexia cũng nhất trí với các nước sản xuất lớn khác trong khu vực (Thái Lan và Malaysia) sẽ giảm xuất khẩu nếu giá tiếp tục giảm. Gapkindo dự báo giá cao su sẽ trung bình khoảng 1,7 USD –1,85 USD/kg trong vài tháng tới, và sẽ tăng tới 1,8-2,1 USD vào cuối năm nay. Các nhà sản xuất cao su mong muốn giá cao su ở mức khoảng 1,65-2,25 USD/kg.
Tại Việt nam, những ngày cuối tháng 12 và đầu năm mới, giá xuất khẩu trung bình cao su SVR CV60 tăng khá đạt 1.903 USD/tấn, tăng 51 USD/tấn so với 20 ngày đầu tháng 12/2006.Xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt 2.085 USD/tấn- FOB- Cảng Vict, tăng 372 USD/tấn. Xuất khẩu vào Achentina, Bỉ, Mỹ, Tây Ban Nha và Trung Quốc có giá trung bình 1.848 USD/tấn. Giá xuất khẩu sang thị trường Đức và Nhật Bản ổn định, giá xuất khẩu vào Đức là 2.143 USD/tấn- FOB- Cảng Vict; tới Nhật Bản, giá 2.064 USD/tấn- FOB-Cảng Tân Cảng. Giá xuất khẩu cao su sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái tiếp tục tăng. Nhu cầu nhập khẩu của đối tác Trung Quốc đang ở mức cao hơn so với nguồn cung cấp từ Việt Nam. Hiện giá xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đã tăng thêm 1.300NDT/tấn so với trung tuần tháng 12/06.