Với mức thu nhập trung bình tăng gấp 4 lần trong vòng một thập kỷ, người Việt Nam đang trở nên giàu có hơn, vì thế, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng Đoàn Duy Khoa cho rằng, các dịch vụ tài chính đang có nhiều cơ hội lớn để hướng tới các cá nhân và hộ gia đình có thu nhập cao trong xã hội. Vấn đề chính để tiếp cận với tầng lớp người tiêu dùng này là tập trung khai thác dịch vụ khách hàng như mục tiêu phát triển chủ chốt, lấy đó là lợi thế cạnh tranh, tạo ra các dịch vụ, sản phẩm đơn giản và độc nhất.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, những thay đổi trong thị trường bán lẻ qua các năm gần đây, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của kênh thương mại hiện đại thay cho kênh thương mại truyền thống như mua hàng trên internet hay truyền hình mua sắm cho thấy, nhà bán lẻ nào mang đến cho người tiêu dùng chất lượng tốt, dịch vụ tốt và nhiều khuyến mại sẽ có những lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, để hoạt động kinh doanh bán lẻ đạt kết quả cao, các nhà kinh doanh cần nghiên cứu kỹ những tác động ảnh hưởng đến các loại hình cửa hàng bán lẻ khác nhau và liệu người tiêu dùng có chấp nhận những loại hình bán lẻ mới. Theo ông Đức, người tiêu dùng Việt Nam hiện đang mua hàng nội địa nhiều hơn. Nếu doanh nghiệp muốn tham gia sẽ gặp nhiều khó khăn vì đã có khá nhiều công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Ông Anson Dichaves, Giám đốc bộ phận nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của Nielsen, một công ty chuyên phân tích và đánh giá thông tin hàng đầu thế giới chia sẻ: "Người tiêu dùng ra quyết định chỉ trong 3 giây, điều này đòi hỏi sự liên hệ thật nhanh giữa công ty với người tiêu dùng. Để làm được điều này, nhân viên phát triển thị trường cần quan tâm tới 5 vấn đề khi phát triển một sản phẩm và thực hiện một chiến dịch marketing. Những thông điệp phức tạp sẽ bị bỏ qua, vì thế ý tưởng càng đơn giản càng tốt, ngoài ra cần chú ý tới đối tượng khách hàng nam và nữ, bởi họ rất khác nhau về suy nghĩ, tâm lý".
Ông Chang Park, Giám đốc khu vực thuộc bộ phận tư vấn phân tích của Nielsen cho rằng, các nhà bán lẻ và sản xuất hiện đang phải đối mặt với áp lực giá nhiên liệu, chi phí đầu vào tăng cũng như nhiều rủi ro khi trực tiếp đẩy gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng. Thay vào đó, nhà sản xuất nên xem xét những phương pháp khác như giảm kích thước sản phẩm - phân khúc mà người tiêu dùng ít nhạy cảm với giá nhất.
Ông Darin Williams, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam đã trải qua một năm đầy thách thức với áp lực lạm phát cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội phát triển cho các nhà bán lẻ, sản xuất và dịch vụ nếu họ hiểu người tiêu dùng đang nghĩ gì và động cơ gì đang thúc đẩy người tiêu dùng. Chính những công ty có sự liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng sẽ là những đơn vị thành công và giành được lợi thế trong năm 2012, bất chấp các khó khăn của nền kinh tế".
Tổng hợp