Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thủy sản thế giới ngày 10/3/2015
10 | 03 | 2015
Năm 2014, NK tôm vào Mỹ tiếp tục tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị so với năm 2013. Đây là kết quả nằm ngoài dự đoán đưa ra hồi đầu năm, khi cho rằng NK tôm vào Mỹ có thể sẽ chững lại nếu giá tôm tiếp tục giữ mức cao. Tuy nhiên, thực tế giá tôm tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong năm 2014 nhưng NK không hề giảm.

 Năm 2014, nhập khẩu tôm vào Mỹ vẫn tăng mạnh

Năm 2014, NK tôm vào Mỹ tiếp tục tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị so với năm 2013. Đây là kết quả nằm ngoài dự đoán đưa ra hồi đầu năm, khi cho rằng NK tôm vào Mỹ có thể sẽ chững lại nếu giá tôm tiếp tục giữ mức cao. Tuy nhiên, thực tế giá tôm tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong năm 2014 nhưng NK không hề giảm.
Thái Lan tiếp tục đánh mất thị phần trên thị trường Mỹ trong năm qua trong khi NK tôm từ Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam lại tăng mạnh.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới về NK tôm vào nước này, năm vừa qua, NK tôm từ các nguồn cung trên thế giới đạt 598.000 tấn, trị giá trên 7,2 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2013. Đây là năm thứ hai liên tiếp NK tôm vào Mỹ vẫn tăng ngay cả khi giá tôm tăng mạnh.
Theo thống kê của Tổng cục thống kê Mỹ, năm 2014, giá NK trung bình đã tăng 15,5% so với năm 2013. Indonesia là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất (44%) trong nhóm 5 nước cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ.
 
Mỹ: Tiêu thụ cá ngừ hộp tăng trong năm 2014
Giám đốc Tập đoàn thủy sản Mỹ cho biết, sau nhiều năm sụt giảm, tiêu thụ cá ngừ hộp của Mỹ đã tăng trong năm 2014.
Chín tháng đầu năm 2014, NK cá ngừ tăng lên 286 triệu pao từ 275,5 triệu pao của cùng kỳ năm 2013. Tiêu thụ cá ngừ hộp tăng lên 499,7 triệu pao từ 496,8 triệu pao của năm trước đó. Tiêu thụ cá ngừ của Mỹ năm 2014 tăng trái ngược với xu hướng giảm qua từng năm từ 2010 với 833 triệu pao xuống còn 724 triệu pao năm 2013.
 
EU: Doanh thu từ cá tuyết và cá thu Na Uy tăng
Năm 2014 là một năm bội thu đối với thủy sản Na Uy, dù Nga đã đưa ra lệnh cấm NK thực phẩm của nước này. XK thủy sản Na Uy tăng 16% trong năm 2014. Doanh thu từ XK cá tuyết tăng 20% và cá thu tăng 43%.
Thủy sản Na Uy đã có chỗ đứng vững chãi trên thị trường thế giới. Ngành thủy sản Na Uy đã cho thấy khả năng thích ứng để đáp ứng các nhu cầu của các thị trường mới và do đó, XK cá hồi, cá tuyết và cá thu đều đạt những con số kỷ lục.
XK thủy sản từ Na Uy sang EU đạt 43 tỷ NOK, tăng 16%. EU cũng là thị trường quan trọng nhất đối với sản phẩm thủy sản của Na Uy, chiếm 62% tổng kim ngạch XK.
Na Uy phát triển một số thị trường lớn. Nhu cầu tăng và do đó thủy sản có mức giá cao.
XK cá tuyết Na Uy đạt 12 tỷ NOK tăng 2 tỷ NOK, tương đương với 20%. Đây là mức tăng kỷ lục. Khối lượng cá đáy XK của Na Uy tăng 3% so với năm 2013.
Năm 2014, Na Uy sản xuất khoảng 100.000 tấn cá clipfish, đạt mức cao kỷ lục. XK đạt 3,7 tỷ NOK, tăng 3% về khối lượng và 19% về giá trị. Sản phẩm cá clipfish có nguồn nguyên liệu từ Na Uy, chế biến ở Na Uy, mang lại thu nhập cho doanh nghiệp đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, ngành cá tuyết đã có bước tiến quan trọng và bền vững trong năm 2014.
Trong năm 2014, XK cá thu đạt 4,1 tỷ NOK, tăng 43% so với năm 2013. XK cá trích đạt 2,7 tỷ NOK, giảm 14%.
Trong năm 2014, Na Uy XK thủy sản sang 143 quốc gia. Trong đó, Ba Lan là thị trường XK chính. XK thủy sản của Na Uy sang Ba Lan đạt 6,4 tỷ NOK, tăng 12%. Ba Lan là thị trường có mức độ tăng trưởng tăng nhanh thứ 4 trong số các thị trường của Na Uy. Thị trường Ba Lan ngày càng quan trọng đối với Na Uy, tuy nhiên một tỷ lệ không nhỏ trong XK sang Ba Lan là thủy sản dùng để chế biến và tái xuất sang EU.
Trong khối EU, Pháp là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Na Uy. Kim ngạch XK thủy sản từ Na Uy sang Pháp đạt 5,7 tỷ NOK, giảm 3% so với năm 2013.
Anh là thị trường có mức độ tăng trưởng lớn nhất với mức tăng 42% so với năm 2013. Giá trị XK thủy sản Na Uy sang Vương quốc Anh trong năm 2014 đạt 4 tỷ NOK.
 
Giá cá minh thái Nga tiếp tục giảm
Giá cá minh thái bỏ đầu và ruột (H&G) của Nga tiếp tục giảm khi hoạt động đánh bắt tại biển Okhotsk tăng. Cá minh thái loại 25 cm vận chuyển đến Trung Quốc có giá 1.300 USD/tấn (giá CNF).
Hạn ngạch tại vùng biển Okhotsk tăng 9,46% so với năm 2014, lên mức 968.000 tấn. Tổng hạn ngạch của Nga 1.715.000 tấn, tăng 5,27% so với cùng kỳ.
Giá cá thường giảm vào tháng 1 nhưng nhiều người cho rằng năm nay, giá cá còn giảm nhiều hơn.
Năm 2014, giá cá minh thái H&G chạm mức thấp nhất là 1.350 USD/tấn trong tháng 2 sau đó tăng lên đều đặn trong suốt cả năm.
Hạn ngạch tăng, các nhà máy chế biến của Trung Quốc gặp khó khăn trong khi đồng rúp suy yếu làm thị trường Nga kém hấp dẫn hơn. Giá cá giảm sâu hơn mức thấp nhất của năm 2014.
Giá cá H&G thay đổi theo mùa. Giá trung bình khá cao nhưng chưa đạt đến mức cao nhất.
Mức giá cao nhất đạt 1.700 USD/ tấn. Tuy nhiên với giá này, khối lượng cá bán được không cao.
Sau dịp tết âm lịch, bức tranh về giá cá minh thái H&G năm 2015 sẽ trở nên rõ ràng hơn.
 
Thị trường Hàn Quốc khó tính nhưng nhiều hứa hẹn
Người Hàn Quốc rất thích các món ăn thủy sản và mặc dù là quốc gia biển nhưng nước này nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD thủy sản/năm từ 100 nước. Hàn Quốc vốn là nước xuất khẩu thủy sản nhưng những năm gần đây phải nhập khẩu nhiều hơn trước, do sản lượng đánh bắt và nuôi trồng có xu hướng giảm.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trên 2,4 lần, từ 210,9 triệu USD năm 2006 lên 508,8 triệu USD năm 2012, tăng bình quân gần 19%/năm. Năm 2013, Việt Nam chỉ xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc với giá trị 511,85 triệu USD, tăng 0,5% so với năm trước và chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên trong năm 2014 Hàn Quốc đã trở lại vị trí thứ tư trong nhóm nước nhập khẩu của thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2014 đạt khoảng 534 triệu USD, tăng hơn 147 triệu USD so cùng kỳ năm 2013 (387 triệu USD).
Việt Nam hiện có khoảng 280 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc, đã dần chinh phục được thị trường nước này với những tiêu chuẩn riêng. Một trong những lợi thế của Việt Nam là có những hiệp định thương mại chặt chẽ với Hàn Quốc. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì Hàn Quốc đã và đang trở thành một thị trường khá ổn định của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh việc đánh bắt, khai thác tại nước này chững lại.


Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường